(GLO)- Sau gần 10 năm đầu tư, dự án trồng cao su trên đất Campuchia của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên đứng chân trên vùng đất Tây Nguyên đầu tư trồng cao su tại nước bạn.
Mới đây, tôi và anh bạn đồng nghiệp được Tổng Giám đốc Công ty Phạm Đình Luyến đưa sang nước bạn Campuchia để tìm hiểu về việc đầu tư trồng cao su tại đây. Vượt quãng đường gần 800 km, chúng tôi đến địa bàn xã Don Cam Pech, huyện San Dan, tỉnh Kampong Thom (Vương quốc Campuchia). Đây là nơi Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K (thuộc Công ty Cao su Chư Pah) triển khai trồng hàng ngàn héc ta cao su.
Cán bộ kỹ thuật Công ty hướng dẫn công nhân người Campuchia chăm sóc và khai thác mủ cao su. Ảnh: H.Đ.T |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Đình Luyến cho biết vùng đất này tuy xa xôi, khó khăn nhưng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây cao su. Nhờ vậy mà đến nay, cây cao su sinh trưởng và phát triển rất tốt. Để minh chứng, ông Trần Anh Cương-Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K-đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh các vườn cao su thẳng tắp, xanh mướt. Ông Cương cho biết: Để có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình gần 10 năm trời vất vả triển khai dự án, đặc biệt là những năm đầu. Trước hết là thiếu nguồn lao động vì San Dan là huyện vùng sâu của tỉnh Kampong Thom, dân cư thưa thớt trong khi tỉnh này lại có nhiều dự án trồng cao su của các doanh nghiệp. Để khắc phục, vào mùa cao điểm trồng mới, Công ty phải tăng cường lao động từ Việt Nam sang hỗ trợ. Cái khó nữa là công tác vận chuyển, cung cấp vật tư, hàng hóa, cây giống, phân bón... vào vùng dự án vì địa bàn cách công ty mẹ gần 800 km mà nguồn cung tại chỗ lại không có. Việc thu hút và quản lý lao động tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí và năng suất lao động còn hạn chế, lao động mang tính chất di cư, không ổn định, khó đảm bảo tính thời vụ...
Dù vậy, với sự đồng lòng của cán bộ, người lao động Công ty, đến nay, vườn cao su đã xanh tốt và bắt đầu cho mủ. Hiện diện tích cao su Công ty đang quản lý là 4.216 ha, trong đó, cao su kiến thiết cơ bản là 3.662 ha. Ngoài số lao động gián tiếp, Công ty có 84 công nhân trực tiếp nhận khoán vườn cây khai thác, chủ yếu là người dân địa phương. Tiền lương, tiền công và các chế độ khác đều được Công ty chi trả theo quy định của ngành và của công ty mẹ, phù hợp với pháp luật Campuchia. Cụ thể, tiền lương bình quân đối với công nhân trực tiếp sản xuất là 150-300 USD/tháng. Ngoài ra, Công ty còn trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động, khám và cấp thuốc miễn phí khi đau ốm, đóng bảo hiểm, cấp nhà ở… Anh Horn Ghang-công nhân Nông trường 1-vui vẻ cho biết: “Trước kia, gia đình mình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ khi vào làm công nhân, nhờ có mức lương ổn định hơn 200 USD/tháng nên đỡ vất vả hơn nhiều. Mình sẽ vận động người thân vào làm công nhân cao su để có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống”.
Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư hàng tỷ đồng xây trường học, trạm y tế phục vụ việc học tập và chăm sóc sức khỏe cho con em địa phương. Hàng năm, Công ty đều cử các y-bác sĩ từ Trung tâm Y tế trực thuộc công ty mẹ ở Việt Nam sang khám-chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho công nhân và người dân. Đặc biệt, Công ty luôn giữ mối quan hệ với chính quyền và nhân dân địa phương như kết nghĩa với làng, xã, huyện; phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah khẳng định: Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ngay từ khi mới triển khai dự án, Công ty đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế song song với việc chăm lo đời sống, an sinh xã hội, hợp tác, hữu nghị, tuân thủ luật pháp nước sở tại theo đúng phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài”. Đến thời điểm này, dự án phát triển cao su tại Campuchia của Công ty có thể nói là đã thành công, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.
HÀ ĐỨC THÀNH