Do vậy, chủ đầu tư dự án kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai sớm hỗ trợ tháo gỡ “nút thắt” nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Ban Quản các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đến nay, tổng khối lượng thực hiện dự án mới đạt 348/884,8 tỷ đồng, đạt 39,33%. Dự án có nhu cầu sử dụng khoảng 250.000 m3 đất đắp.
Trước đây, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Pleiku và UBND huyện Đak Đoa đã chấp thuận phương án cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp tại 7 vị trí với khối lượng đất dôi dư khoảng 210.000 m3 để đưa vào làm đất san lấp phục vụ cho dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 29-8-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản bãi bỏ các văn bản trước đây về việc hướng dẫn sử dụng nguồn đất san lấp cho các dự án; đồng thời, UBND TP. Pleiku, UBND huyện Đak Đoa yêu cầu dừng cải tạo đất tại tất cả vị trí đã chấp thuận. Vì vậy, dự án tiếp tục gặp vướng mắc do không có nguồn đất đắp phục vụ thi công. Trong khi đó, thời gian không còn nhiều, dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Một vấn đề nan giải khác trong dự án này là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đoạn qua huyện Đak Đoa có chiều dài là 7,09 km đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng và đang thực hiện công tác di dời đường điện, cáp quang, viễn thông. Đoạn qua địa bàn TP. Pleiku dài 4,54 km, đến nay đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 3,43 km/4,54 km, đạt 76,3%. Hiện còn 31/164 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ về cây cối, hoa màu, tài sản, vật kiến trúc.
Riêng đối với huyện Chư Păh đã giải phóng mặt bằng được 2 km/3,43 km, đạt 58,4%. Trong đó, đoạn điều chỉnh hướng tuyến đấu nối với đường Hồ Chí Minh (tại Km 1588+200, xã Nghĩa Hưng) chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 nên chưa đủ điều kiện để triển khai các thủ tục thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đường hành lang kinh tế phía Đông là dự án trọng điểm, kết nối liên vùng được Trung ương hỗ trợ vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, thời gian thi công theo hợp đồng chỉ còn hơn 6 tháng. Nếu không có các giải pháp cấp bách tháo gỡ vướng mắc thì không thể hoàn thành dự án theo kế hoạch được giao, đồng thời có nguy cơ bị cắt vốn, hủy vốn.
Trước tình hình đó, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-kiến nghị: “Đối với các vị trí đã chấp thuận phương án cải tạo, đề nghị UBND các huyện cho phép tiếp tục được cải tạo, sử dụng theo phương án đã được chấp thuận.
Còn vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chư Păh cho phép triển khai các thủ tục thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng và sẽ cập nhật quy hoạch sử dụng đất trong đợt điều chỉnh quy hoạch gần nhất”.
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Tỉnh yêu cầu UBND TP. Pleiku tập trung chỉ đạo, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các hộ còn lại, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15-2-2025.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc và hướng dẫn cụ thể cho UBND TP. Pleiku, huyện Chư Păh áp dụng đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Mặt khác, UBND huyện Chư Păh căn cứ quy định Luật Đất đai 2024 triển khai ngay công tác thu hồi đất để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Liên quan đến việc giải quyết nguồn đất đắp phục vụ thi công, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ cũng được UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ.
“Mọi chậm trễ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết đất san lấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các đơn vị, địa phương liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh.