Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bán đảo Thanh Đa treo hơn 30 năm

Đầu tiên phải kể đến Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được UBND TP.HCM giao cho ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết khó khăn cho dự án này.

Đây là một trong số các dự án "treo" thuộc dạng lâu đời nhất tại TP.HCM khi vào năm 1992 khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được quy hoạch, với diện tích gần 427 ha. Dù vậy mãi đến tháng 6.2004, UBND TP.HCM mới ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư. Tháng 12.2004, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.

Tháng 6.2005, Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo UBND TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Theo đó, nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch là biến Bình Quới - Thanh Đa thành một đô thị sinh thái, hiện đại với chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

Sau 32 năm quy hoạch treo, đến nay khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã trở nên nghèo nàn, xơ xác
Sau 32 năm quy hoạch treo, đến nay khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã trở nên nghèo nàn, xơ xác

Đầu năm 2006, TP.HCM xác định Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9 cũ. Do không có bước tiến triển nào nên "treo" dự án quá lâu, nên đến năm 2010, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND TP.HCM thu hồi giấy phép đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, đến năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án gặp nhiều vướng mắc, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị "treo".

Mới đây, TP.HCM tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất, gắn kết về không gian hai bên sông Sài Gòn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực này phù hợp với định hướng của TP.HCM là rất cần thiết.

Với những động thái gần đây, dự án Bình Quới - Thanh Đa được kỳ vọng sẽ sớm "hồi sinh", trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch của TP.HCM bởi vị thế đắc địa và những tiềm năng phát triển hết sức lớn.

Khu đô thị đại học 3,5 tỉ đô trên giấy

Một dự án khác từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP.HCM và được xem là thành phố vệ tinh ở khu vực phía tây, đối trọng với khu Đông và khu Nam TP.HCM là khu đô thị đại học quốc tế do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya) có quy mô 880 ha, nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, với tổng mức đầu tư 3,5 tỉ USD, tương đương 59.000 tỉ đồng thời bấy giờ.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, đến nay dự án vẫn chưa phát huy được tác dụng, thậm chí chậm tiến độ khá lâu, gây lãng phí tài nguyên đất trầm trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của người dân có nhà đất bị nằm trong vùng dự án. Bởi sau 15 năm được phê duyệt, đến nay toàn bộ khu vực dự án vẫn chưa có dấu hiệu thi công, vẫn là một vùng đất rộng lớn đang ngày càng trở nên hoang hóa, đất đai cỏ mọc um tùm, nhà cửa người dân xuống cấp do bị quy hoạch treo nhiều năm trời.

Phối cảnh dự án khu đô thị đại học quốc tế hoành tráng nhưng bị treo nhiều năm
Phối cảnh dự án khu đô thị đại học quốc tế hoành tráng nhưng bị treo nhiều năm

Một báo cáo của UBND TP.HCM, cho thấy dự án kéo dài nguyên nhân công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong khu quy hoạch treo. Hiện khu vực dự án có khoảng gần 200 căn nhà, chủ yếu là nhà cấp 3, 4. Một nguyên nhân nữa khiến dự án kéo dài được cho là do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

7 biệt thự ở "tam giác vàng" bỏ hoang ngay trung tâm

Một dự án khác là khu đất 1 Lý Thái Tổ (quận 10) cũng được UBND TP.HCM giao cho ông Phan Văn Mãi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Khu đất này có vị trí vô cùng đắc địa khi nằm trên "tam giác vàng" giữa ba tuyến đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng gần Ngã Sáu Cộng Hòa.

Khu đất do Bộ Ngoại giao quản lý, rộng 3,7 ha gồm 7 căn biệt thự và công viên rộng lớn bị bỏ hoang đã nhiều năm, đến nay vẫn chưa có phương án sử dụng. Trước đây một trong số các căn biệt thự này được cho thuê làm nhà hàng và khuôn viên làm sân tennis nhưng sau đó đã bị trả lại.

Trước tình trạng khu đất vàng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí, các cử tri quận 10 đã nhiều lần kiến nghị cần sớm có giải pháp khai thác hiệu quả, có thể cho xây dựng trung tâm thương mại, công trình văn hóa hoặc bán đấu giá để thu ngân sách.

Khu đất 1 Lý Thái Tổ bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí
Khu đất 1 Lý Thái Tổ bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí

Gần nhất vào tháng 8.2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan Trung ương về việc lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại khu đất.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị Bộ Ngoại giao khẩn trương có văn bản đề nghị thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà đất số 1 Lý Thái Tổ theo quy định. Trong đó, Bộ Tài chính lưu ý, trường hợp Bộ Ngoại giao không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì có thể nghiên cứu hình thức điều chuyển, bán, thu hồi, chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý, xử lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Ngoại giao trong thời gian chưa hoàn thành việc thay đổi phương án thì có trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ và duy trì công năng của tài sản công theo quy định.

Không chỉ dự án ngưng trệ, không triển khai mà cả những dự án đã hoàn thành lãng phí cũng được UBND TPHCM "điểm danh" và giao cho lãnh đạo thành phố xử lý. Đó là tình trạng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư 13,8 ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) dù đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang hàng chục năm nay. Hiện nay, mỗi năm, TP.HCM phải chi hơn 70 tỉ đồng để thực hiện công tác bảo trì, bảo vệ. Mới đây, UBND TPHCM tiếp tục lên kế hoạch đấu giá những căn hộ này. Để giải quyết số căn hộ này, nhiều lần thành phố đã đem đấu giá, nhưng bất thành. Chính vì vậy, UBND TP.HCM đã giao Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường theo dõi, chỉ đạo giải quyết và kỳ vọng những lãng phí trên sẽ được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang cũng được giao cho lãnh đạo thành phố xử lý
Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang cũng được giao cho lãnh đạo thành phố xử lý

Ngoài các dự án trên, Chủ tịch UBND TP.HCM, các Phó chủ tịch gồm: ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, ông Bùi Xuân Cường, ông Nguyễn Văn Dũng và bà Trần Thị Diệu Thúy cũng được giao theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công trong lĩnh vực của mình phụ trách, để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Điển hình là các dự án như: cầu Thủ Thiêm 2 (nay đổi tên thành cầu Ba Son), đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính, khu phức hợp tháp quan sát thuộc khu chức năng, xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng (mới được chuyển sang đầu tư công), công viên Sài Gòn Safari (H.Củ Chi), công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (TP.Thủ Đức)…

Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm