Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú đang trong giai đoạn nước rút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các đơn vị thi công đang tập trung huy động nhân lực, vật lực hoàn thành các gói thầu thuộc dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú với quyết tâm đưa công trình này đi vào hoạt động cuối năm 2020. Sau khi dự án hoàn thành, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) sẽ có được trục cảnh quan, sinh quyển đẹp, hấp dẫn ngay giữa lòng đô thị.
 


Đẩy nhanh thi công

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các đơn vị thi công gói thầu thuộc dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú đã huy động tối đa máy móc, phương tiện để thi công nhằm đảm bảo tiến độ, hoàn thành từng gói thầu. Ông Trần Thanh Dương-Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên-cho hay: Công ty cùng 2 nhà thầu khác nhận thi công gói thầu số 4, từ đường Nguyễn Tri Phương đến đường Nguyễn Trung Trực với chiều dài 789 m.

Đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương và cầu dân sinh số 1 bắc qua đoạn suối, đóng cọc gia cố mái kè, khối lượng thi công đạt 98%. “Phần việc còn lại là phủ lớp bê tông mặt cầu. Tuy nhiên, công việc này phải chờ thời điểm sắp hoàn thành dự án mới triển khai thực hiện và bàn giao cho nhà đầu tư”-ông Dương nói.

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hà Duy


Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku-thông tin: Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú có tổng chiều dài 1,76 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Trung Trực đến điểm cuối là đường Nguyễn Lương Bằng. Dự án đi qua địa bàn 4 phường: Hội Phú, Hội Thương, Phù Đổng và Hoa Lư với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 90 ha, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 200 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Theo ông Nghĩa, đến thời điểm này, các gói thầu số 1 và số 2 đã đạt 98% khối lượng, chỉ chờ công tác bảo hành, bảo trì và bàn giao; gói thầu số 3 hoàn thành 75% và gói thầu số 4 đã triển khai thực hiện hơn 65% khối lượng. Riêng gói thầu số 5 về xây dựng các tuyến chiếu sáng với tổng chiều dài 3.528 m dự kiến triển khai trong tháng 10-2020.

“Sau khi công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất, chúng tôi đã huy động tổng lực các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2020. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi đôn đốc các đơn vị thi công chia làm 3 ca, thi công cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, phần lớn thi công dưới lòng suối, trên nền đất yếu nên gặp nhiều chướng ngại trong quá trình thực hiện các gói thầu. Hơn nữa, suối Hội Phú là nơi thu nước từ các nơi đổ về, do đó chỉ cần một cơn mưa là việc thi công gặp trở ngại. Chúng tôi còn phải đổ đất khắc phục, đền bù hoa màu cho dân trong quá trình thi công”-ông Nghĩa thông tin.

Chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân

Sau rất nhiều năm triển khai, dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú theo dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Sau đó, dự án được UBND tỉnh gia hạn hoàn thành vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, do một số hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó, dự án chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Ông Huỳnh Công Quang-Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku-cho biết: Do không có nguồn vốn từ ngân sách bố trí cho công tác bồi thường, tái định cư nên dự án phải ứng Quỹ phát triển đất tỉnh. Việc ứng quỹ năm sau phải hoàn trả kinh phí của năm trước, do vậy phải triển khai dự án theo hình thức cuốn chiếu, thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, đấu giá để hoàn trả kinh phí đã ứng.

Ngoài ra, trong quá trình thi công luôn vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến một số hộ dân, buộc UBND thành phố phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vừa thi công vừa phải thực hiện công tác giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, đến tháng 2-2020, Trung tâm mới giao 100% mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công.

Thi công bờ kè suối Hội Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Triều


Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku cũng cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến hết năm 2019, công trình không đẩy nhanh được tiến độ thi công do chưa có quy hoạch mỏ đất đắp và vị trí đổ thải; khối lượng đất đắp và lượng bùn cần nạo vét lớn khiến việc triển khai thi công các hạng mục của công trình gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công trình kéo dài trên 5 năm, gồm 5 gói thầu, nhiều đơn vị chậm tiến độ thi công đã bị phạt đến 7 lần với tổng số tiền gần 227 triệu đồng.

Trao đổi với P.V về thông tin một số hạng mục chưa thi công nhưng đã được nghiệm thu, thanh toán tiền hay nghiệm thu “khống”, ông Nghĩa khẳng định: Vì công trình thi công trong khu vực dân cư nên không có bãi tập kết vật tư, vật liệu. Nhằm tạo điều kiện giải ngân và đẩy nhanh tiến độ cho các đơn vị thi công, chủ đầu tư đã chủ động thanh toán khối lượng vật tư, vật liệu rời chưa tập kết về công trình như: tấm lát bê tông đúc sẵn, cống bê tông các loại đúc sẵn, đất đắp các loại tại các nhà máy sản xuất, bãi vật tư, vật liệu của các nhà thầu. Đồng thời, buộc các nhà thầu cam kết cung cấp lắp đặt vào công trình khi có mặt bằng thi công.

“Chúng tôi luôn giám sát suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Ngoài việc đảm bảo chất lượng công trình, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố còn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình”-ông Nghĩa khẳng định.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm