Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hiện đạt hơn 90% khối lượng và thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để ngân hàng tái cấp vốn, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2022.
Cống ngăn triều Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều chính của dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Minh Quân |
Quyết tâm hoàn thành trong năm 2022
Ngày 24.3, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đã thông tin về dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Huy Bình - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM) dự án đã hoàn thành trên 90%.
Trước đó, do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hết hạn từ 6.2020) nên dự án tạm ngưng thi công cuối năm 2020. Do hợp đồng chưa ký, ngân hàng không thể giải ngân vốn khiến dự án bị đình trệ.
Ông Nguyễn Huy Bình trả lời tại họp báo. Ảnh: Minh Quân |
Liên quan đến thủ tục tái cấp vốn cho dự án, ông Bình cho biết TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung giải quyết và làm việc với bộ, ngành Trung ương, ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để hoàn thành tất cả các thủ tục liên quan, sớm hoàn thành dự án.
“Các thủ tục với Trung ương cơ bản cũng ổn. Hiện thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Quyết tâm của thành phố hoàn thành dự án trong năm 2022 và quyết toán trong năm 2023” – ông Bình nói.
Nói về hiệu quả khi dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hoàn thành, ông Bình cho biết dự án giúp thành phố chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40 - 160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và khoảng 6 km đê bao giúp nâng cao trình của vùng trũng thấp lên 2,5 m so với mực nước biển.
Theo ông Bình, TPHCM về cao trình có 54% diện tích dưới 1m, 22% từ 1 -2 m và chỉ có 24% diện tích trên 2 m. "Do đó khi dự án hoàn thành có thể điều tiết mức nước từ 1 m – 1,2 m để vừa chống ngập khi triều lên và thau rửa khi triều xuống" - ông Bình nói.
Dự án có đội vốn?
Liên quan đến việc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng thi công kéo dài có ảnh hưởng đến chất lượng công trình? Ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, do yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian thực hiện dự án kéo dài hơn so với trong hợp đồng, trong đó nhiều lần phải tạm ngưng thi công.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong quá trình trước khi đơn vị tạm ngưng thi công, những điểm dừng kỹ thuật đã được các đơn vị tư vấn và nhà đầu tư tính toán kỹ.
"Theo đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, mặc dù công trình có tạm ngưng một thời gian nhưng xét về tuổi thọ công trình là không lớn và không ảnh hưởng nhiều" - ông Bảo nói.
Trả lời việc dự án thi công kéo dài có làm tăng tổng vốn đầu tư? Ông Bảo cho biết, dự án này do ngân hàng BIDV cho nhà đầu tư vay vốn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do dự án thi công kéo dài, quá hạn thời gian hoàn thành nên ngân hàng dừng cấp vốn.
"Hiện nay các đơn vị liên quan đang cố gắng giải quyết việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng để ngân hàng có cơ sở gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không tăng, vẫn theo hợp đồng đã ký trước đây" - ông Bảo nói.
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng khởi công giữa năm 2016. Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng chậm tiến độ do vướng mặt bằng và vốn.
Giữa tháng 11.2020, dự án phải ngưng thi công do UBND TPHCM chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện dự án (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6.2020).
|
Theo Minh Quân (LĐO)