Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Khổ sở với dự án đường tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án đường tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có tổng kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng nhưng sau hơn 3 năm thi công, vẫn chưa được đưa vào sử dụng, rất nhiều đoạn còn dang dở.

Khổ sở vì đường thành ao

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.500 tỉ đồng. Sau khi nắn chỉnh tuyến vào H.Cư M'gar, cách vị trí đề ra ban đầu khoảng 1 km, tổng kinh phí được nâng lên hơn 1.800 tỉ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Tuyến đầu Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột từ đường nhựa thành đường đất
Tuyến đầu Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột từ đường nhựa thành đường đất

Dự án có chiều dài hơn 39 km, dự kiến thi công trong 3 năm, đến 2023 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến thời điểm này, tất cả vẫn còn ngổn ngang. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên đầu tháng 11.2024, tại tuyến đầu của dự án thuộc buôn Kô H'Neh (xã Cuôr Đăng, H.Cư M'gar), mặt đường đã hư hỏng quá nặng nề. Số lượng xe có trọng tải lớn lưu thông qua đoạn đường này cũng rất đông.

Cụ thể, sau hơn 3 năm thi công, tại tuyến đầu dự án, mặt đường xuất hiện nhiều "ao nước" gập ghềnh khiến xe máy, ô tô con loại gầm thấp không thể lưu thông. Đoạn đường hư hỏng kéo dài khoảng 800 m.

Người dân cho biết trước đây đoạn đường này được trải nhựa và là khu vực phát triển kinh tế của nhiều hộ kinh doanh. Kể từ khi thi công dự án, đoạn đường lại trở thành "bẫy" các phương tiện lưu thông, còn người dân sinh sống tại đây không thể buôn bán, phát triển kinh tế như trước.

"Ngày trước, đoạn gần ngã ba giao với QL14, buôn bán rất sầm uất. Các hộ dân kiếm sống bằng những quán ăn, quán nước ven đường. Tuy nhiên, kể từ khi thi công dự án, các hộ dân ở đây không thể buôn bán, mặt đường bị sụt lún. Ngày nắng thì bụi mù mịt, mưa thì như biển nước, không thể đi lại", bà Lê Thị Minh Châu (49 tuổi, buôn Kô H'Neh, xã Cuôr Đăng) cho biết.

Bà Châu thông tin thêm đã từng xảy ra tai nạn tại đoạn đường hư hỏng này. Nhà thầu thi công là Công ty An Nguyên (trụ sở ở tỉnh Đắk Lắk) cũng chỉ chắp vá, đối phó bằng việc đổ xà bần, đất xuống đường. Vào ngày mưa, mặt đường trở lại như cũ, sụt lún, đọng nước, xe máy, ô tô con không thể di chuyển.

Mong sớm tái định cư cho dân bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng, H.Cư M'gar) cho biết các hộ dân tại đoạn đường này rất bức xúc vì tình trạng đường hư hỏng, thi công chậm trễ khiến cho việc đi lại khó khăn và phải sống trong cảnh ô nhiễm nhiều năm nay.

Tuyến đầu do Công ty TNHH An Nguyên thi công
Tuyến đầu do Công ty TNHH An Nguyên thi công

Chính quyền địa phương đã phản ánh với UBND H.Cư M'gar và chủ đầu tư dự án. Hiện đơn vị thi công đã bồi đắp những hố sụt lún nhưng do điều kiện thời tiết mưa gió, số lượng phương tiện lưu thông lớn nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, con đường lại hư hỏng nặng nề.

Theo chính quyền địa phương, đoạn đường đã giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân được khoảng 500 m. Còn khoảng 300 m chưa được giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cho người dân di dời đến khu tái cư. UBND H.Cư M'gar đã có phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng nhưng hiện có nhiều vướng mắc trong khâu thẩm định giá tái định cư, đấu giá các lô đất. Vì thế, UBND H.Cư M'gar chưa có phương án di dời cho 13 hộ dân.

"Chúng tôi mong muốn công trình sớm hoàn thành để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông. Bên cạnh đó, việc công trình sớm hoàn thành cũng tạo điều kiện để kinh doanh, buôn bán tại địa bàn. Đối với những hộ di dời, chúng tôi rất mong họ có nơi an cư lạc nghiệp; đối với hộ chỉ giải tỏa một phần, họ có thể trở lại nhịp sống bình thường…", bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh kiến nghị.

Theo Hữu Tú (TNO)

Có thể bạn quan tâm