Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Dự án sân golf Đak Đoa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2009

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dự án sân golf Đak Đoa (thuộc địa phận xã Glar, xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về kinh tế-xã hội, tăng thêm nguồn lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào tỉnh Gia Lai. Không những mang lại lợi ích về kinh tế, dự án còn giữ được rừng và cảnh quan môi trường.

Những ngày qua, dự án này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi những thông tin chưa chính xác về việc chuyển đổi đất rừng để triển khai.

Không mất 1 cây thông

Khu vực thực hiện sân golf Đak Đoa có diện tích 174,01 ha (diện tích đất có rừng 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha). Toàn bộ diện tích rừng thông dự kiến sử dụng làm sân golf đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp) theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư cam kết không chặt hạ số thông hiện có, chỉ di thực từ vị trí này sang vị trí khác để bảo vệ cảnh quan môi trường. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng rừng và kinh phí thực hiện phương án trồng rừng thay thế sẽ được đầu tư để trồng lại rừng ở các vị trí khác trong các năm tiếp theo.

Dự án Sân golf Đak Đoa khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Dự án sân golf Đak Đoa khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí. Ảnh: Minh Nguyễn


“Do đó, việc chuyển đổi 155,93 ha rừng trồng sang thực hiện dự án sân golf không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của tỉnh. Rừng vẫn còn đó, không những được bảo vệ tốt hơn mà còn góp phần tạo cảnh quan đẹp hơn. Bởi muốn làm du lịch sinh thái thì phải giữ được rừng thông. Riêng với du lịch đồi cỏ hồng đây chỉ là phong trào, mỗi năm khai thác được vài ngày. Cỏ hồng ở các rừng thông khác đều có chứ không riêng gì tại Đak Đoa”-ông Hoan nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-khẳng định: Qua khảo sát, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là phù hợp với các quy định hiện hành. Diện tích thông trồng từ năm 1976 thuộc quy hoạch rừng sản xuất (không phải rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ), đến nay chưa khai thác được hiệu quả về kinh tế. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện dự án, tỉnh đã đề nghị nhà đầu tư không được chặt thông mà phải di thực đến những vị trí khác để tạo cảnh quan. Trong số 174,01 ha chỉ di thực một số thông ở khoảng 1/3 diện tích, nhiều nhất khoảng 50 ha, số còn lại vẫn giữ nguyên. Với công nghệ di thực hiện đại thì tỷ lệ cây sống gần như là tuyệt đối.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch 500 ha không chỉ có sân golf mà còn có khu nhà ở, công viên, khu thể thao và một phần diện tích thảm cỏ hồng để người dân đến du lịch, thưởng ngoạn. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đak Đoa là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án. “Chúng tôi là cơ quan được UBND tỉnh giao thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư. Mong muốn của chúng tôi là đưa dự án vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tỉnh nhà phát triển; bên cạnh đó, môi trường vẫn được giữ vững, cảnh quan ngày càng đẹp hơn, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn”-ông Thành khẳng định.

Tính khả thi cao

Thông tin về dự án, ông Nguyễn Văn Lộc-Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng UBND tỉnh-cho biết: Sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Hồ sơ dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, lấy ý kiến đối với hồ sơ đề xuất phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án của các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.

Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư cam kết không chặt hạ số thông hiện có, chỉ di thực từ vị trí này sang vị trí khác để bảo vệ cảnh quan môi trường. Ảnh: Minh Nguyễn
Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư cam kết không chặt hạ số thông hiện có, chỉ di thực từ vị trí này sang vị trí khác để bảo vệ cảnh quan môi trường. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Dự án sân golf Đak Đoa được coi như là tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển dự án sân golf trên địa bàn. Vì sân golf sẽ là điểm nhấn hấp dẫn giới doanh nhân, các nhà đầu tư, khi đó, họ sẽ đến đầu tư nhiều hơn, giúp tỉnh phát triển du lịch mạnh hơn. Hiệu quả kinh tế trước mắt của dự án là đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản nộp ngân sách, góp phần cải thiện kinh tế địa phương”.

Theo ông Lộc, sau khi tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh về việc sử dụng đất của dự án sân golf Đak Đoa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đak Đoa đảm bảo phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ phát triển rừng”. Đồng thời khẳng định, các bộ, ngành Trung ương đều ủng hộ việc triển khai dự án. Tuy nhiên, do thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27-4-2020 của Chính phủ Quy định về việc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf) nên tỉnh phải bổ sung điều chỉnh và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Nói thêm về dự án trên, ông  Lộc cho biết, Gia Lai là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội có điểm xuất phát thấp. Do vậy, sân golf Đak Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi được xây dựng, dự án trên sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, đáp ứng nhu cầu giải trí, phát triển thể lực cộng đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong vùng.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm