Kinh tế

Doanh nghiệp

Dự án tỉ USD đồng loạt khởi động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch thế kỷ, hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn trong và ngoài nước đã được khởi động cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Từ nhà máy đến khu du lịch nghỉ dưỡng

Cách đây 2 ngày, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức nhận giấy phép xây dựng nhà máy tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD. Đây là dự án lớn thứ 2 tại châu Á và là dự án lớn thứ 6 trên toàn cầu của LEGO. Câu chuyện đầu tư của tập đoàn này có thể nói đạt kỷ lục về thời gian khi chỉ hoàn tất trong vòng nửa năm. Từ giữa tháng 9.2021, Đại sứ quán Đan Mạch đặt vấn đề với phía Việt Nam, sau đó đích thân Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án và cuộc hội đàm giữa 2 bên diễn ra sau đó nửa tháng. Đến ngày 1.11.2021, tại Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn LEGO đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính đúng dịp Hội nghị COP26. Kế đó, ngày 8.12.2021, LEGO đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy mới và chỉ sau hơn 3 tháng, đến ngày 19.3 dự án chính thức được cấp phép.

 

 Các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ảnh: Gia Hân
Các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ảnh: Gia Hân


Cũng trong ngày 19.3, nhà đầu tư Singapore cũng khởi công xây dựng Khu công nghiệp VSIP III rộng hơn 1.000 ha với vốn đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng sau khi đã tăng vốn đầu tư hạ tầng thêm 941 triệu USD cho dự án VSIP Bắc Ninh...

Trong vòng 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỉ USD. Không chỉ dòng vốn ngoại tỉ USD chảy vào Việt Nam mà các dự án đầu tư trong nước cũng bắt đầu được tăng tốc. Giữa tháng 3, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát) và 8 ngân hàng đã ký kết hợp đồng cấp tín dụng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm với tổng mức đầu tư 85.000 tỉ đồng (tương đương 3,7 tỉ USD). Trong bối cảnh giá sắt thép thế giới tăng vọt, nhiều nhà sản xuất HRC trên thế giới đang hạn chế xuất khẩu và đặc biệt các nước đều yêu cầu chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thì dự án của Hòa Phát còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) tôn mạ, thép cán nguội, ống thép của Việt Nam.

Ở lĩnh vực du lịch, ngay khi Việt Nam mở cửa trở lại, rất nhiều DN lập tức rót vốn đón đầu xu thế. Có thể kể đến dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500 ha tại tỉnh Phú Thọ, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng do Tập đoàn T&T khởi động vào cuối tháng 2. Dự án này được đầu tư đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật tiêu chuẩn 5 sao, kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn quốc gia và quốc tế về thể thao cao cấp, thu hút khách trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa dần mục tiêu đưa tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Song song đó, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ven biển khác cũng ra đời như đầu tháng 3, dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) do Hưng Thịnh phát triển vừa công bố giai đoạn 1 rộng hơn 623,71 ha, tổng vốn đầu tư 47.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD); dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí NovaWorld tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) có quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỉ USD, có hàng trăm tiện ích tiêu chuẩn quốc tế do Nova Group công bố...

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Bình Dương, trong đó có Tập đoàn LEGO. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Bình Dương, trong đó có Tập đoàn LEGO. Ảnh: Nhật Bắc


Dòng vốn tiếp tục gia tăng

Song song những dự án mới khởi động, các DN đang hoạt động tại Việt Nam cũng liên tiếp mở rộng quy mô kinh doanh là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Đầu năm nay, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV), qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỉ USD, tăng gấp hơn 28 lần so với cam kết ban đầu hồi năm 2008, tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. Hay ở lĩnh vực bán lẻ, thương hiệu Uniqlo (Nhật Bản) liên tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam khi cuối tháng 2 vừa qua công bố mở cửa hàng thứ 11 với quy mô lớn hơn nhiều so với các cửa hàng trước đó...

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, nhận xét dòng vốn ngoại lớn, chất lượng đang “không ngừng chảy” vào Việt Nam như một minh chứng rõ ràng cho thấy triển vọng thu hút vốn FDI trong năm 2022 theo chiều hướng tích cực. Ông nói: “Có nhiều cơ sở để chúng ta đưa ra dự báo tích cực trong thu hút đầu tư. Chúng tôi có một số cuộc gặp gỡ, trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư đến từ châu Âu, họ có chung nhận định là Việt Nam đang tạo nhiều niềm tin và có tiềm năng lớn để bắt đầu một dự án mới hay mở rộng đầu tư. Bản thân tôi quan sát cho thấy, trong năm nay các DN nước ngoài rất kỳ vọng việc phục hồi đầu tư mở rộng sau ngày 15.3, khi chúng ta chính thức mở cửa đường bay quốc tế, khôi phục du lịch, bỏ cách ly khi nhập cảnh... Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam một cách bình thường. Qua đó, các cuộc gặp, kết nối, trao đổi trực tiếp, tìm hiểu địa điểm đầu tư... được tiến hành mau lẹ hơn nhiều so với tình cảnh “bế quan tỏa cảng” trong năm qua do ảnh hưởng Covid-19. Năm nay cũng là thời điểm các nhà đầu tư lớn nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... tái cơ cấu, mở rộng đầu tư để sắp xếp lại hệ thống sản xuất cung ứng trên toàn cầu. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam”.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng khó khăn vẫn còn nhiều bởi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều nhân tố bất định. Nhưng hiện kinh tế trong nước đã phục hồi và từng bước phát triển trở lại sau đại dịch. Xét trên tổng thể chung, Việt Nam vẫn là một nước hấp dẫn trong hoạt động kinh doanh gắn với quá trình tiếp tục cải cách và đổi mới nhiều mặt. Nếu như năm qua khi dịch bệnh diễn ra nặng nề ở nhiều địa phương đã làm chậm quá trình khảo sát, tìm hiểu hoạt động đầu tư của nhiều tập đoàn thì nay khi Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn, quá trình này sẽ được đẩy nhanh, tăng tốc hơn.


 

 Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang mở rộng đầu tư. Ảnh: Thùy Linh
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang mở rộng đầu tư. Ảnh: Thùy Linh


Kích kinh tế - xã hội địa phương tăng tốc

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng từ đầu những năm 2000, Quân - một kỹ sư người Quảng Ngãi - phải vào TP.HCM làm việc trong một công ty sản xuất thép có nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhưng cách nay 5 năm, khi người em là Hùng ra trường với chuyên ngành tương tự đã có nhà máy của Hòa Phát hoạt động ngay tại quê hương nên Hùng không phải xa nhà nữa. Những trường hợp đi học, ra trường và ở lại quê ngày càng nhiều. Chỉ riêng dự án sản xuất gang thép của Hòa Phát, từ khi triển khai đầu tư dự án tại Dung Quất vào năm 2017 thì đến 2020 ước tính tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, trong đó có hơn 7.000 lao động địa phương. Với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang chuẩn bị thực hiện, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động tại địa phương. Tương tự, các nhà máy của Samsung tại Việt Nam đang có hơn 110.000 lao động và tập đoàn này vẫn duy trì triển khai hoạt động tuyển dụng hằng năm. Mới nhất, đầu tháng 3 vừa qua, Samsung đã tổ chức một kỳ thi tuyển dụng với 2.400 ứng

 

Các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất ở nhiều tỉnh thành là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay chính là chuẩn bị nguồn nhân lực tốt để đón đầu. Các địa phương cần có chính sách mời gọi thu hút đầu tư riêng, có sẵn quỹ đất tốt và nguồn nhân lực sẵn sàng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận định các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất ở nhiều tỉnh thành là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, thị trường cũng thay đổi nhanh thì việc thu hút được dòng vốn FDI bao nhiêu cũng là đáng quý. Tuy nhiên, các địa phương không nên chỉ coi trọng vốn ngoại mà phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước. Trong việc “cạnh tranh” thu hút vốn, thì nguồn nhân lực sẽ là một yếu tố quan trọng song song với nhiều điều kiện khác. Các địa phương cần chủ động gắn với việc thúc đẩy phát triển các trường CĐ, ĐH trên địa bàn cũng như liên kết với các tỉnh thành lân cận. Bởi chỉ cần một dự án được khởi động thì sẽ kéo theo rất nhiều dịch vụ khác xung quanh, bao gồm cả giải trí, thương mại, lưu trú... và từ đó sẽ góp phần tạo ra những thay đổi mạnh cho kinh tế địa phương. Sau đại dịch Covid-19, việc thu hút và giữ chân được người lao động không chỉ là chuyện của mỗi DN mà còn là việc chung của mỗi tỉnh, thành phố để không còn câu chuyện thiếu hụt nhân lực cho phát triển kinh tế.
 

Theo Mai Phương-Nguyên Nga (TNO)

Có thể bạn quan tâm