Kinh tế

Nông nghiệp

Dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Đak Pơ: Thành công một nửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất một số loại cây nông nghiệp” do Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) chủ trì triển khai tại xã Ya Hội từ năm 2019 đến 2022 đã không thành công trọn vẹn khi chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt trên cây bắp, cây mì. Trong khi đó, diện tích cây chuối mốc không hiệu quả như kỳ vọng nên người dân không còn mặn mà.

Năng suất bắp và mì tăng cao

Sau 3 năm triển khai dự án, về cơ bản, năng suất cây bắp, mì, chuối mốc đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, với mô hình cây bắp lai thực hiện trên diện tích 20 ha, năng suất trung bình đạt gần 7,1 tấn/ha (vượt gần 1 tấn/ha), tổng sản lượng đạt 141,96 tấn (tăng 1,96 tấn); mô hình cây mì thực hiện 20 ha, năng suất trung bình đạt 31,1 tấn/ha (vượt 1,1 tấn/ha), tổng sản lượng 612,1 tấn (tăng 12,1 tấn); mô hình cây chuối mốc thực hiện 10 ha, năng suất trung bình đạt 31,64 tấn/ha (vượt 1,64 tấn/ha), tổng sản lượng đạt 304 tấn (tăng 4 tấn).

Anh Đinh Văn Lố (làng Mông) cho biết: “Gia đình tôi trồng 1 ha mì giống KM94 theo chương trình chuyển giao kỹ thuật của dự án. Ưu điểm của giống mì KM94 là ít sâu bệnh, chỉ cần chăm sóc kỹ, bón phân đúng thời điểm thì thu hoạch cho năng suất rất tốt, đạt hơn 30 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với giống cũ. Với giá mì năm ngoái là 2.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 60 triệu đồng/ha”.

Anh Đinh Văn Lố (làng Mông, xã Ya Hội) bên rẫy mì chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Hà Phương


Ghi nhận thực tế cho thấy, mô hình trồng bắp và mì của dự án đã gặt hái được những thành công nhất định. Ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-cho biết: Đối với cây bắp, địa phương chọn vùng đất thích hợp để triển khai. Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển mà phát hiện nhiễm bệnh thì xử lý kịp thời nên gần như không có thiệt hại. Cuối vụ, cây bắp đạt năng suất cao hơn 1 tấn/ha so với cách sản xuất cũ; hạt cũng đẹp hơn và chất lượng hơn. Trong khi đó, cây mì KM94 cũng kháng bệnh khảm lá rất tốt, năng suất vượt trội so với các giống cũ.

“Hiện tại, cây bắp và cây mì trên địa bàn đang phát triển tốt, diện tích năm sau cao hơn năm trước. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư mở rộng dự án không chỉ với cây bắp, mì mà tất cả cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất”-ông Thạch đề nghị.

Người dân không mặn mà với cây chuối mốc

Trong khi diện tích bắp và mì của dự án phát huy hiệu quả rõ rệt thì diện tích chuối gần như không mang lại hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ… Trong 10 hộ dân tham gia dự án trồng chuối mốc trên diện tích 10 ha hiện đã phá bỏ gần hết để chuyển sang cây trồng khác; chỉ còn 1-2 hộ giữ lại vườn chuối để sử dụng làm nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thành Đạt (làng Đak Ya) tham gia mô hình trồng chuối của dự án trong 3 năm. Năm đầu tiên, cây chuối phát triển tốt nhưng không may bị ảnh hưởng bão nên mất trắng. Năm thứ 2, ông phục hồi lại vườn chuối nhưng năng suất, chất lượng không còn được như ban đầu. Đặc biệt, bước sang năm thứ 3, cây chuối bị dịch bệnh nên gần như không phát triển. Ngoài ra, khi thu hoạch lại không có thương lái đến mua hoặc có mua thì giá rất bấp bênh. “Tôi thấy trồng chuối không hiệu quả, chắc phải chuyển sang cây trồng khác”-ông Đạt buồn bã nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Ya Hội, khi triển khai dự án trồng thâm canh cây chuối mốc, xã cũng chọn vùng đất phù hợp. Sau khi trồng, cây chuối phát triển tốt, quả đẹp. Tuy nhiên, giống chuối này có đặc điểm kháng bệnh yếu nên chỉ cho thu hoạch từ 2 đến 3 năm, sau đó phải trồng ở vị trí khác. Đây là vấn đề khá khó khăn đối với người dân khi diện tích đất canh tác hạn chế. Cũng theo ông Thạch, khi thu hoạch chuối, bà con chỉ bán lẻ do không có thương lái thu mua. Vì vậy, đến thời điểm thu hoạch, chuối chín nhiều đành phải bỏ.

Kỹ sư Nguyễn Thị Bích Liên-Chủ nhiệm dự án-cho rằng, trong quá trình triển khai mô hình trồng chuối gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thị trường tiêu thụ. “Hiện dự án đang hướng tới thành lập nhóm những người tham gia trồng chuối nhằm giúp bà con sử dụng chồi để tái sinh trồng mới sang những vườn khác vì những vườn cũ sau khi thâm canh trong 3 năm sẽ tồn dư nấm, vi khuẩn và sâu đục thân. Chúng tôi khuyến khích bà con chuyển sang cây trồng khác trên diện tích đất đã trồng chuối. Còn cây chuối thì trồng mới trên diện tích đất khác để xử lý tình trạng sâu bệnh hại tốt hơn”-bà Liên chia sẻ.

 

 HÀ PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm