Giáo dục

Tuyển sinh

Dự báo điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, hệ thống ghi nhận hơn 733.000 thí sinh trong cả nước nhập nguyện vọng đăng ký, chiếm khoảng 68% số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bích Huệ/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bích Huệ/TTXVN)

Sau hơn 10 ngày mở cổng hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ ngày 18-30/7), các thí sinh đã hoàn thành bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ở tất cả các phương thức tuyển sinh.

Năm nay, hệ thống ghi nhận hơn 733.000 thí sinh trong cả nước nhập nguyện vọng đăng ký, chiếm khoảng 68% số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024.

Dựa trên dữ liệu thí sinh trên hệ thống, các trường sẽ thực hiện xét tuyển, công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước 17 giờ, ngày 19/8. Trước đó, các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ… đã được các trường công bố.

Phân tích phổ điểm thi, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng và chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay sẽ tăng từ 1-3 điểm so với năm trước.

Kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có gần 50.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở các phương thức, tăng gấp đôi năm trước. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 7.000 sinh viên.

Phần lớn chỉ tiêu của trường (60%) dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; còn lại là xét tuyển thẳng, xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực. Điểm sàn nhận hồ sơ xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào trường có 3 mức là 16, 18 và 20 điểm, tùy ngành.

Thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, dự đoán điểm chuẩn của trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp năm nay trong khoảng từ 16-24 điểm, tùy ngành. Các ngành “hot” như Marketing, Kinh doanh quốc tế điểm chuẩn sẽ tăng từ 1,5-2 điểm so với năm trước, dự kiến ở mức 23-24 điểm.

Dù mới tuyển sinh năm nay nhưng ngành Logistics và chuỗi cung ứng cũng nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh, dự báo điểm chuẩn ngành này cũng ở mức 23-24 điểm.

Điểm chuẩn các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm có thể từ 22-24 điểm, tăng từ 1-3 điểm so với năm trước; các ngành còn lại điểm chuẩn có thể từ 16-18 điểm.

Việc đổi tên từ Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là nguyên nhân chính giúp trường “hút” được nhiều thí sinh.

Không đơn thuần là tên gọi mới mà đó chính là tầm nhìn mới, chiến lược phát triển mới của trường, hướng đến đào tạo đa ngành, trong đó mũi nhọn là khoa học công nghệ thực phẩm-Thạc sỹ Phạm Thái Sơn chia sẻ.Năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu, trong đó dành khoảng 15-40% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Khoảng 45-55% chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển điểm thi tốt nghiệp của trường năm nay từ 16-24 điểm. Cao nhất là các ngành thuộc lĩnh vực Toán, Máy tính và Công nghệ thông tin.

Phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, Thạc sỹ Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh nhận định điểm chuẩn của trường có thể tăng ở nhiều ngành thuộc nhóm Kỹ thuật điện tử-viễn thông, Máy tính và công nghệ thông tin.

Các ngành này năm trước có điểm chuẩn từ 24-27 điểm, trong khi đó năm nay lượng thí sinh có điểm thi trong khoảng này tăng. Riêng ngành Khoa học máy tính, điểm chuẩn sẽ không biến động, bởi số thí sinh có điểm thi trên 28 điểm không tăng (năm trước điểm chuẩn ngành này là 28,05 điểm).

Những năm gần đây, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dành 75-90% chỉ tiêu để tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết hợp. Với phương thức này, tiêu chí học lực chiếm 90%, còn lại là thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%).

Trong tiêu chí học lực có 3 thành phần, gồm điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 70%), điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (20%) và điểm học bạ Trung học phổ thông theo tổ hợp xét tuyển (10%).

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự đoán điểm chuẩn của trường năm nay không biến động nhiều. Bởi điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm trọng số nhỏ trong tổng điểm xét tuyển theo phương thức kết hợp nên không tác động nhiều đến điểm chuẩn của trường.

Chỉ riêng nhóm ngành Điện-Điện tử-Viễn thông-Tự động hóa-Vi mạch điểm chuẩn có thể tăng do lượng thí sinh quan tâm đến ngành này nhiều.

Năm nay, điểm sàn nhiều ngành đào tạo Sư phạm ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng so với năm ngoái và cao hơn mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mức điểm sàn khá cao, từ 19-24 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước.

Tiến sỹ Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dự báo điểm chuẩn một số ngành đào tạo giáo viên có thể tăng từ 1-2 điểm. Trong đó điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Anh có thể lên đến 29 điểm (năm ngoái, 3 ngành này có điểm chuẩn lần lượt 26,5; 27 và 26,62 điểm).

Lý giải việc điểm chuẩn có thể tăng, Tiến sỹ Huỳnh Trung Phong cho biết, điểm thi khối A01, D01, C00 - tổ hợp xét tuyển chính vào các ngành trên đều tăng so với năm ngoái, trong khi đó, chỉ tiêu của các ngành sư phạm ít.

Riêng những ngành ngoài lĩnh vực Sư phạm, dự đoán điểm chuẩn có thể tăng 1-2 điểm với ngành xét tổ hợp C00, D01; những ngành còn lại tăng nhẹ khoảng 0,5-1 điểm.

Theo quy định, trong thời gian từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thanh toán lệ phí để hoàn tất quy trình đăng ký nguyện vọng. Việc nộp lệ phí được thực hiện bằng hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ quốc gia, với đa dạng kênh thanh toán. Để tránh quá tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia lịch thanh toán lệ phí cho các thí sinh theo từng tỉnh, thành.

Có thể bạn quan tâm