Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch canh nông: Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, du lịch canh nông đang dần trở thành xu hướng trải nghiệm được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm lựa chọn. Một số chuyên gia cho rằng, với những tiềm năng và thế mạnh nông nghiệp sẵn có, Gia Lai nên tận dụng để phát triển loại hình du lịch mới mẻ này trong tương lai.
Du lịch canh nông là du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp. Với du lịch canh nông, du khách được hòa mình với khung cảnh thiên nhiên, vào vai những nông dân thực thụ, thưởng thức và mua sắm đặc sản nông nghiệp bản địa. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, loại hình du lịch này đã hình thành và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Anh, Thái Lan, Italia… Du lịch canh nông mang về doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Ở nước ta, những năm gần đây, một số địa phương ở Tây Bắc, Đông và Tây Nam bộ cũng đã đẩy mạnh du lịch canh nông gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng Gia Lai là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, có diện tích lớn thứ 2 Việt Nam với hơn 15.500 km2, trong đó đất đỏ bazan chiếm gần 2/3, phù hợp để trồng cây công nghiệp dài ngày như: hồ tiêu, cà phê, cao su, chè… Khí hậu cũng khá thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh các loại rau củ, hoa và cây ăn quả. Diện tích rừng của Gia Lai cũng tương đối lớn, có thể phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
 Anh Nguyễn Đức Mạnh (xã Sơn Lang, huyện Kbang) trồng cam để phát triển du lịch canh nông. Ảnh: H.T
Anh Nguyễn Đức Mạnh (xã Sơn Lang, huyện Kbang) trồng cam để phát triển du lịch canh nông. Ảnh: H.T
Vừa đến thăm Gia Lai và có nhiều ấn tượng với vùng đất cao nguyên rộng lớn này, ông Ineyama Hiromasa-Giám đốc Công ty Du lịch Nokyo, trực thuộc Liên đoàn Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhật Bản, chuyên tổ chức các tour du lịch cho thành viên HTX Nông nghiệp Nhật Bản-cho hay: “Lợi thế về nông nghiệp của tỉnh Gia Lai là rất lớn với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: cà phê, hồ tiêu, rau quả, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Hơn nữa, vì nằm ở vùng cao nên khí hậu ở đây cũng khá mát mẻ và dễ chịu. Do đó, tôi nghĩ rằng, Gia Lai rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp. Tôi sẽ sớm quay lại địa phương để nghiên cứu và trải nghiệm loại hình du lịch này”.
Trên thực tế, dù chưa được phổ biến rộng rãi và khai thác xứng tầm, song du lịch canh nông ở Gia Lai cũng đã manh nha bởi một vài người trẻ có kiến thức và tràn đầy tâm huyết. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Nguyễn Đức Mạnh (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) lại quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp trên chính mảnh đất mà cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn. Không gì khác, du lịch canh nông chính là mục tiêu mà chàng thanh niên trẻ này lựa chọn. Anh Mạnh phân tích: Gia Lai nói chung, huyện Kbang nói riêng sở hữu diện tích rừng khá lớn với nhiều thác nước tự nhiên. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái, đất đai ở đây cũng thích hợp để trồng rất nhiều loại cây. Khi vườn cây được bao bọc bởi rừng thì côn trùng gây hại và thiên địch cũng cân bằng nhau nên cây cối không bị phá hoại bởi quá nhiều sâu bọ. Ấy là lợi thế để làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái. “Khi cuộc sống ngày càng áp lực, môi trường ô nhiễm thì con người ta sẽ hướng về thiên nhiên nhiều hơn, sản phẩm nông nghiệp sạch cũng được ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái tự nhiên sẽ là tiềm năng lớn. Hiện tại ở nhiều nơi, đặc biệt là miền Tây Nam bộ, họ đã làm du lịch kiểu này rồi, thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là người dân thành phố. Bởi ít được tiếp xúc nên họ rất thích khi trải nghiệm bên vườn cây trái sum suê, được ăn và thu hái tại vườn. Gia Lai mình chưa có nhiều mô hình như thế này nên tôi muốn thực hiện trong tương lai”-anh Mạnh chia sẻ.
Để chuẩn bị, anh Mạnh bắt tay cải tạo trang trại của gia đình, trồng đa dạng các loại cây ăn quả như: cam Vinh, cam sành, cam soàn, cam V2, cam Đường Canh, quýt hồng, quýt đường, na Thái, bơ, ổi, vú sữa, chanh tím Đài Loan, chanh vàng Colombia… Một vài loài hoa như: hồng, cẩm tú cầu, bướm đêm, mười giờ… cũng được anh trồng ven lối đi lại trong vườn để tạo cảnh quan. Mọi thứ đều được chủ nhân của chúng canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, anh Mạnh còn vận động một số người dân quanh vùng làm theo hướng của mình để du khách khi tới đây có nhiều sự lựa chọn.
Thuận lợi khá nhiều nhưng khó khăn cũng không ít khi phát triển nông nghiệp gắn với du lịch canh nông ở Gia Lai. Trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp tỉnh nhà như hiện nay, theo những người làm du lịch, việc đề ra các giải pháp thích ứng kết hợp với nghiên cứu vấn đề canh tác tổng hợp cho từng loại cây trồng trên từng vùng sinh thái là vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình trồng, chế biến nông sản sạch, hữu cơ; tưới nước tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng… Theo anh Mạnh, “việc đầu tiên và quan trọng nhất là chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư cần phải làm là giữ rừng. Còn rừng là còn nhiều thứ. Mất rừng, sông suối sẽ dần hết nước, mạch nước ngầm cạn kiệt, không thể làm nông nghiệp được. Tiếp đến, cần sớm xây dựng và hình thành thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch để người dân có động lực làm du lịch, du khách tìm đến cũng sẽ nhiều hơn”.
Còn ông Lê Tất Đỗ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thì cho rằng, mặc dù định hướng của HTX là sản xuất cà phê bền vững gắn với chuỗi giá trị, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, thế nhưng quá trình triển khai còn gặp khó khăn. “Để phát triển du lịch canh nông, tỉnh ta còn thiếu nhiều thứ. Cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng trong khi Thái Lan làm rất tốt. Hệ thống các dịch vụ bổ trợ du lịch hầu như chưa có, người nông dân chưa có ý thức lẫn kỹ năng làm du lịch nông nghiệp…”-ông Đỗ trăn trở.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối các vùng trong tỉnh hay dẫn đến các khu nông nghiệp cũng là vấn đề địa phương cần sớm có kế hoạch đầu tư và hoàn thiện. Cũng như ông Ineyama Hiromasa nhận định: “Trước mắt, đường sá chỉ cần tốt hơn để đi lại dễ dàng chứ chưa đòi hỏi rộng rãi hay cao tốc. Nếu giao thông thuận lợi, du lịch hiển nhiên sẽ tốt lên theo”.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm