Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch Đà Nẵng tăng tốc, chuẩn bị cho cuộc chơi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là thành phố biển hàng đầu, nhưng nếu chỉ dựa vào dải bờ biển xinh đẹp, du lịch Đà Nẵng khó có 15 năm tăng trưởng ngoạn mục và vị thế như ngày hôm nay. Các chuyên gia dự báo, đầu tư chiều sâu vào sản phẩm du lịch vẫn là yếu tố quan trọng để Đà Nẵng tiếp tục cạnh tranh với các điểm đến khác.

"Lột xác" từ chủ trương đúng đắn

Khép lại 7 tháng, du lịch Đà Nẵng đón tin vui khi số khách quốc tế ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 34,7% và về đích sớm mục tiêu cả năm 2024. Dự báo năm nay, khách ngoại có thể đạt con số tương đương thời điểm trước dịch (3,5 triệu lượt).

Đà Nẵng thành công thu hút “đại bàng” đầu tư vào du lịch

Đà Nẵng thành công thu hút “đại bàng” đầu tư vào du lịch

Quay ngược thời gian về thập niên 2000, Đà Nẵng lúc đó còn là vùng trũng về du lịch và gần như chưa có tên trên bản đồ du lịch khu vực miền Trung. Du khách thường chỉ đi ngang qua Đà Nẵng rồi lưu trú ở Huế và Hội An. Cả thành phố chỉ có khoảng trên dưới 70 khách sạn và 20 công ty lữ hành/chi nhánh. Nhưng rồi, bằng chủ trương đúng đắn cùng sự quyết liệt đổi mới trong tư duy làm du lịch của lãnh đạo và người dân thành phố, Đà Nẵng đã có hành trình lột xác ngoạn mục.

Năm 2009, khi du lịch thành phố sông Hàn bắt đầu có sự chuyển mình, Đà Nẵng đón hơn 1,3 triệu lượt khách. Đến năm 2019, Đà Nẵng đón gần 8,7 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt xấp xỉ 31 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với 2009.

Những cột mốc ấn tượng phải kể đến năm 2009 - thời điểm tuyến cáp treo đầu tiên của Bà Nà Hills khánh thành; 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - biểu tượng nghỉ dưỡng sang trọng của Việt Nam ra đời hay năm 2018 - khi cây Cầu Vàng đưa tên tuổi thành phố sông Hàn vang danh khắp thế giới. Cũng suốt khoảng thời gian chuyển mình đó, cuộc thi pháo hoa quốc tế, sau này nâng tầm thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã tạo cho du lịch Đà Nẵng sức hấp dẫn khác biệt.

Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức du lịch thế giới 2 lần trao cho Đà Nẵng giải thưởng “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” vào các năm 2016, 2022. Những danh hiệu, bảng xếp hạng liên tục gọi tên Đà Nẵng không chỉ bởi thiên nhiên mà vì trải nghiệm dịch vụ hấp dẫn.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, động lực để thành phố quyết tâm phát triển du lịch bền vững chính là sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; trong đó có Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng lớn để Đà Nẵng phát triển.

Cụ thể, ngay từ NQ33 năm 2003, Đà Nẵng được xác định cần sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế; Có cơ chế thực hiện thí điểm kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng một số khu du lịch cao cấp tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2022, “Đề án định hướng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra 12 định hướng phát triển lớn như: định hướng không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; định hướng phát triển sản phẩm du lịch… thể hiện rõ trọng tâm phát triển sản phẩm du lịch, nâng tầm chất lượng và sự đa dạng để thu hút khách du lịch chi tiêu cao, khách quốc tế.

“Bất kỳ thị trường du lịch nào cũng đều dung nạp tất cả phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng đang ở đẳng cấp thế giới bởi sự đầu tư và dẫn dắt thị trường từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính trong và ngoài nước. Hiện thành phố có nhiều nhà đầu tư trong nước tạo nên những sản phẩm du lịch cao cấp, đưa thương hiệu du lịch Đà Nẵng và Việt Nam ra quốc tế”, ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sự kiện và du lịch Kết nối mới (Necotour) chia sẻ.

Tạo điều kiện cho những sản phẩm du lịch đột phá

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” chỉ rõ, sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Ngành du lịch đã tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân cũng như đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Trong đó, Đà Nẵng đến nay được xem là hình mẫu với sự bứt phá trên bản đồ du lịch cả nước, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của du khách thế giới. Dẫu vậy, trong bối cảnh mới với sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, dịch chuyển thị trường và xu hướng du lịch toàn cầu trong thời gian tới… sẽ là những thách thức không nhỏ nếu du lịch Đà Nẵng không có đột phá, thậm chí dẫn tới nguy cơ tụt hậu.

Singapore tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho du lịch, tập trung sản phẩm giải trí, nghỉ dưỡng

Singapore tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho du lịch, tập trung sản phẩm giải trí, nghỉ dưỡng

Nói tới sự đột phá, không thể không nhắc tới Singapore. Sự sáng tạo không giới hạn đã giúp Quốc đảo 6 triệu dân thu hút tới 13,6 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2023. Thành tựu đáng kinh ngạc này muốn được lý giải, cũng cần quay ngược quá khứ để nhìn về cột mốc đặc biệt.

Chẳng hạn, dưới thời ông Lý Hiển Long, quốc đảo nhỏ bé này đã mở cửa 2 khu nghỉ dưỡng casino tích hợp vào năm 2010 nhằm mục đích thúc đẩy du lịch. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, năm 2019, hai khu nghỉ dưỡng này đã tác động đáng kể đến phát triển kinh tế, khi đóng góp 1 - 2% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm. Lượng du khách tăng gấp đôi lên 19,1 triệu người trong một thập kỷ, tính đến năm 2019.

Hiện tại, giai đoạn 2 phát triển các khu nghỉ dưỡng sắp bắt đầu, với 2 dự án mở rộng lớn cùng tổng giá trị đầu tư hơn 10 tỉ đô Singapore (tương đương 7,4 tỉ USD). Phần casino của 2 khu nghỉ dưỡng - nguồn thu nhập chính cũng sẽ được mở rộng. Cùng với đó, Marina Bay Sands nổi tiếng với khu vườn trên mái hình con tàu bắc qua ba tòa nhà chọc trời, dự kiến sẽ xây dựng thêm một tòa tháp khách sạn thứ tư.

Rõ ràng, bất chấp kết quả ấn tượng của ngành du lịch từ sau giai đoạn dịch bệnh, Singapore đang lên kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, sản phẩm du lịch.

Nhìn về Đà Nẵng, không thể phủ nhận, thành phố sông Hàn đã là nơi có những “đại bàng” làm tổ và chung sức đồng hành suốt thời gian dài, đóng góp lớn trong việc tạo ra giá trị cạnh tranh của ngành du lịch. Với bệ phóng từ loạt cơ chế, chính sách đặc thù vừa được thông qua, đặc biệt là việc thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm để gia tăng trải nghiệm, sẵn sàng cạnh tranh với các điểm đến khác trong nước và khu vực.

Theo các chuyên gia, để biến nguy thành cơ, vượt lên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh điểm đến toàn cầu, Đà Nẵng cần có cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư lớn có tâm và tầm nhìn chiến lược, từ đó tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển cả về lượng và chất, kiến tạo những công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp cao, độc đáo, riêng có để định vị thương hiệu…

“Gần đây, Đà Nẵng được bổ sung nhiều sản phẩm mới như các show diễn nghệ thuật, phố đi bộ, chợ đêm… Đà Nẵng còn có tiềm năng to lớn để phát triển những tổ hợp kinh tế đêm, gắn với vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm... mà nếu không có cơ chế phù hợp thì rất khó thành công”. PGS TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch khẳng định.

Theo Hà Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm