Du lịch

Du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh: Đột phá cho du lịch cố đô Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với Quần thể di tích Cố đô, Nhã nhạc cung đình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cố đô Huế còn có đầy đủ điều kiện thực tế để thu hút khách du lịch ngang tầm các điểm đến nổi tiếng thế giới. Trong đó, mô hình du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh nhằm khai thác song hành kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên gắn với văn hóa cộng đồng là một hướng đi đột phá mà địa phương này hướng tới.
Thiếu sự đột phá
Cố đô Huế- kinh đô Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn với các giá trị di sản vừa hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa. Cùng với Quần thể di tích Cố đô là di sản văn hóa thế giới, Huế còn là nơi duy nhất lưu giữ loại hình âm nhạc truyền thống Nhã nhạc cung đình, một kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận. 
Du khách quốc tế thích thú khi được người dân làng hương Dương Xuân Thượng (TP. Huế) trực tiếp hướng dẫn cách làm ra cây hương truyền thống. Ảnh: Bùi Oanh
Du khách quốc tế thích thú khi được người dân làng hương Dương Xuân Thượng (TP. Huế) trực tiếp hướng dẫn cách làm ra cây hương truyền thống. Ảnh: Bùi Oanh
Ngoài ra, sông Hương được Trung tâm di sản thế giới đề nghị trình UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới; hệ sinh thái đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á; tam giác Lăng Cô-Cảnh Dương-Bạch Mã đã được Chính phủ xác định là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm quốc gia… Vùng đất này cũng nổi tiếng với nghệ thuật ẩm thực, các sản phẩm làng nghề và lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Cầu Ngư, Ðiện Hòn Chén, hội đua thuyền sông Hương và đặc biệt là Festival Huế tổ chức định kỳ hai năm một lần, hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu của Huế lịch sử và Huế hiện tại, để khẳng định một Huế tương lai gắn kết Việt Nam với thế giới. 
Thế nhưng, địa phương này rất ít khi dẫn đầu các tỉnh thành miền Trung về du lịch. Năm 2010-năm diễn ra Festival Huế lần thứ 6 nhưng tổng lượt khách đến với Thừa Thiên-Huế đạt 1,5 triệu. Trong khi, Đà Nẵng, năm 2010 đón đến 1,7 triệu lượt khách; Quảng Nam, với 2 di sản Mỹ Sơn-Hội An được UNESCO công nhận sau Cố đô Huế đến hơn nửa thập kỷ cũng có trên 2,4 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú trong năm 2010. 
Lễ hội cầu ngư-sản phẩm du lịch đặc thù của cộng đồng ngư dân Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Lễ hội cầu ngư-sản phẩm du lịch đặc thù của cộng đồng ngư dân Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Điều quan trọng, 2,4 triệu lượt khách đến Quảng Nam thì có 1,17 triệu lượt khách quốc tế. Còn Thừa Thiên-Huế, khách quốc tế ở mức khiêm tốn khoảng 800 ngàn lượt người... Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, thừa nhận: Mặc dù tiềm năng có nhiều, nhưng nếu tỉnh vẫn cứ phát triển và đầu tư vào du lịch theo thói quen tư duy cũ, không xác định được cái gì ưu tiên hàng đầu, là đột phá trong thời đại cả thế giới đang chuyển mình, tái cấu trúc lại các ngành kinh tế, cố đô Huế sẽ đánh mất cơ hội.
Ông Hoàng Xuân Bậc- chủ nhân điểm tham quan thứ 4 trong tour du lịch nhà vườn Phú Mộng- Kim Long, cho hay: “Nhà rường tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống Huế. Phần lớn những tòa nhà được lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh... Nhà vườn Huế là một nét đặc sắc của vùng đất này, nó hàm chứa những giá trị độc đáo thuộc nhiều lĩnh vực: Văn hóa, kiến trúc, lịch sử, triết học, tôn giáo, nghệ thuật... phản ánh sự kế thừa văn hóa Việt, đồng thời mang bản sắc riêng của chốn kinh kỳ xưa. 
Nhà vườn Huế được xem như “nơi trú ngụ tâm hồn xứ Huế”, là tổ ấm kết nối sức sống của gia đình, dòng tộc tạo nên sự đoàn kết tình thân ruột thịt, trong đó nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp, nề nếp gia phong, lề thói văn hóa dân tộc… Tuy nhiên, sau mười năm đi vào hoạt động kể từ Festival Huế 2002, hiệu quả kinh tế tour nhà vườn Kim Long-Phú Mộng vẫn là số không khi chẳng thấy hãng du lịch nào ký kết với người dân để đưa khách đến đây và cũng chẳng ai quan tâm khách đến và đi như thế nào… Nhiều lúc thấy nản với cách làm du lịch không công”. Ông Bậc than ngắn thở dài. 
Du lịch di sản xanh
Lễ hội đua thuyền của ngư dân vùng sông nước Thừa Thiên-Huế ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Bùi Oanh
Lễ hội đua thuyền của ngư dân vùng sông nước Thừa Thiên-Huế ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Bùi Oanh
Hơn tất cả các đô thị ở Việt Nam, cố đô Huế có đầy đủ điều kiện thực tế để phát triển du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó cảnh quan thiên nhiên trở thành một loại di sản không thua kém di sản kiến trúc cung đình, di sản văn hóa đô thị mà Huế đang sở hữu. Tại Hội thảo quốc tế “Di lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh” do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức, các mô hình du lịch xanh thành công được viện dẫn bao gồm: du lịch nông thị; du lịch cộng đồng gắn với công nghệ hiếu khách; xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường; phát triển du lịch di sản gắn với du lịch cộng đồng, mua sắm, giải trí… 
Ngoài việc cắt giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản văn hóa, du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh còn tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng bằng việc tạo công ăn việc làm; lồng ghép sự phát triển du lịch vào chiến lược xóa đói giảm nghèo với việc gia tăng sự tham gia của người dân địa phương trong chuỗi giá trị văn hóa làng xã. 
Đặc biệt, Huế từ lâu đã nuôi dưỡng “tư duy xanh” nhờ vào truyền thống văn hóa thẩm mỹ, hương ước và tập tục tôn trọng tính toàn diện của đa dạng sinh học và tính linh thiêng của di sản văn hóa. Qua “Du lịch xanh” sẽ tạo cho cố đô Huế xứng tầm là một điểm đến di sản thế giới mang đẳng cấp. Và đây cũng là cách để du lịch Thừa Thiên-Huế hội nhập mạnh mẽ vào thị trường du lịch thế giới. 
Ông Lal Kurukulasuriya, cố vấn cao cấp Chương trình LHQ về môi trường, cho rằng: Huế có nhiều lợi thế để ưu ái trong việc quảng bá một hình mẫu du lịch dựa trên cộng đồng một cách toàn diện nhất. Vấn đề đặt ra là Huế vẫn đang ì ạch dựa vào nguồn lực có sẵn, mà chưa có những chiến lược phát triển du lịch lâu dài. 
Tính đơn điệu và thụ động đang khiến cho du lịch Huế đánh mất nhiều cơ hội. Vì thế, việc áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh cần có sự đóng góp của tất cả các “cá thể” trong lĩnh vực du lịch, trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được xác định là trọng tâm trong việc tạo ra doanh thu và quảng bá. 
Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm