Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch khám phá: Đừng trả giá đắt khi yêu mà không hiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du lịch khám phá luôn luôn thu hút những người trẻ tuổi. Đơn giản vì tuổi trẻ luôn bị hấp dẫn bởi những thế giới xung quanh, bởi ước muốn chinh phục thiên nhiên và thử thách những giới hạn của bản thân. Nhưng ngoài lòng nhiệt tình và khao khát, cái người ta cần nhiều chính là những kỹ năng khi dấn thân vào những hành trình khám phá.

Nguy hiểm luôn rình rập

Sau hơn 8 ngày nỗ lực tìm kiếm, chiều 20-5-2018, nhóm tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của anh Thi An Kiện mất tích hôm 12-5 khi leo Tà Năng - Phan Dũng. Thi thể anh Kiện nằm ở tầng thứ 4 của thác 7 tầng tại núi Công Chúa thuộc địa bàn xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

 



Sự việc bắt đầu từ ngày 11-5, Thi An Kiện (SN 1994) cùng 6 người khác tham gia trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận). Đến 12h trưa ngày 12-05-2018, trên đường đi xuống, anh Kiện đã bị lạc khỏi nhóm.

Thông tin ban đầu cho biết cả nhóm không biết người bị lạc ở đâu và đoàn đi 6 người đã về đích chỉ với 5 người.

Sau khi có thông tin về người mất tích, khoảng 100 người đã được huy động để tìm kiếm. Sau 8 ngày, mọi hy vọng đã bị dập tắt khi thi thể của Kiện được tìm thấy tại thác Lao Phào – một con thác hiểm trở.

Sự việc khách du lịch mạo hiểm tử vong bên thác, nhắc chúng ta nhớ lại trường hợp du khách người Anh tử vong ở miền núi phía Bắc vào năm 2016.

Aiden Shaw Webb sinh năm 1993, quốc tịch Anh, đi du lịch Việt Nam cùng bạn gái. Hai người đến Sa Pa từ ngày 2/6. Hồi 6h ngày 3/6, anh Aiden Shaw Webb tự leo núi từ hướng thôn Sín Chải, leo dọc theo tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan. Trong quá trình leo núi, Webb thường xuyên liên lạc, thậm chí, đến khi bị tai nạn, Webb vẫn còn đủ tỉnh táo để liên lạc với bạn gái mình.

Cơ quan chức năng địa phương đã tăng cường tìm kiếm, gồm lực lượng có kinh nghiệm như công an, quân đội, dân quân, kiểm lâm, nhân viên kỹ thuật cáp treo Fansipan và người dân địa phương… nhưng do địa bàn hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn, nhất là các khe núi đá cao trên dưới 1.000 mét nên việc tìm kiếm không thuận lợi.

Hai ngày sau khi tử vong, Webb mới được phát hiện cách cột trụ T4 của hệ thống cáp treo Fansipan chừng 1km.

Điều đáng nói là Webb là một nhà leo núi chuyên nghiệp, đã từng đối diện với rất nhiều các thử thách trước đây.

Chỉ trang bị tốt là… chưa đủ

Nói về sự kiện Tà Năng, anh Nguyễn Hoàng Anh (Công ty du lịch Hoàng Gia, Hà Nội) nói: “Đáng tiếc nhất trong vụ việc ở Tà Năng là các bạn đã tiết kiệm tiền hoặc quá tự tin nên không thuê người dẫn đường (còn gọi là “porter”). Hầu hết các bạn đi du lịch ít nhiều đều trang bị cơ bản kiến thức và đủ điều kiện kinh tế để trang bị quần áo, giày dép, ba lô, hệ thống định vị… để hỗ trợ bản thân. Tuy nhiên, luôn có những nguy cơ xảy ra trong quá trình khám phá mà nếu không có đủ kỹ năng, kiến thức thì sẽ gặp nhiều bất lợi”.

Anh Nguyễn Quốc Mạnh (Câu lạc bộ Dù lượn Hà Nội), một người du lịch khám phá kỳ cựu ở Hà Nội thì chia sẻ: Tôi có biết vụ việc này. Trong quá trình thám hiểm, đừng quá kỳ vọng vào hệ thống định vị GPS, bởi lẽ, chỉ đi chệch hướng khoảng 2,3 mét thôi, định vị có sai số nhưng hiển thị không chuẩn, còn đường đi đã thay đổi rất nhiều.

Một trong những mẹo phổ biến khi đi lạc là… đứng yên tại chỗ chờ người tới tìm. Bởi lẽ, những người đi tìm bao giờ cũng là những người có kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, với những người đi rừng lâu năm, họ thường có một mẹo đánh dấu là dùng dao đánh dấu vào cây, bẻ cành cây, hoặc xé dây buộc để đánh dấu. Những cách đánh dấu đường đi như vậy vừa dễ cho người khám phá. Trường hợp bị lạc cũng tạo thuận lợi cho người đi tìm khi lần theo dấu.


 

 



Ngoài ra, những người không có kinh nghiệm, sức khỏe thì tốt nhất nên thuê người mang vác đồ đạc và dẫn đường. Đừng tiết kiệm tiền khi nó có thể thay mình quản lý rủi ro.

Ngoài ra, tính đoàn kết, đồng đội trong quá trình cùng nhau khám phá cũng rất quan trọng. Các thành viên trong nhóm trekking cùng nạn nhân Thi An Kiện lý giải họ buộc phải di chuyển tiếp vì có đi tìm nhưng không thấy, đồng thời, trong nhóm có người bị thương và trời đã sắp tối.

Một thành viên quản trị diễn đàn “Những người thích đi du lịch” (đề nghị không nêu tên) nhận định: “Vấn đề của vụ việc này là sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, tự tin vào bản thân, không thuê hỗ trợ hay hướng dẫn viên dù chi phí không đáng kể. Đặc biệt nhất là tinh thần đồng đội trong việc đi khám phá đã bị phá bỏ”.

Dù thế nào, đây cũng là một sự việc đau lòng và là một bài học lớn cho những người yêu thích du lịch khám phá, mạo hiểm. Mùa hè đã tới, mùa du lịch và khám phá lại nở rộ.

Vụ việc ở cung đường Tà Năng – Phan Dũng chắc chắn sẽ không cản trở niềm yêu thích khám phá thiên nhiên, khám phá bản thân của những người trẻ tuổi. Nhưng đây chắc chắn sẽ là một bài học lớn cho tất cả mọi người trong những chuyến phiêu lưu của mình.

Hoàng Lan (Công Luận)

Có thể bạn quan tâm