Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch KV Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam:Cơ hội đan xen thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm làm rõ những tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức cũng như mục tiêu, kế hoạch phát triển du lịch trong khu vực, ngày 15-7, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Du lịch Campuchia; Bộ Du lịch-Văn hóa và Truyền thông Lào; Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam; các nhà quản lý và điều hành kinh doanh du lịch, các nhà khoa học, chuyên gia về du lịch Campuchia, Lào, Việt Nam. Các ông: Hà Văn Siêu-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Vùng đất giàu tiềm năng
Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là khu vực ngã ba biên giới được Thủ tướng 3 nước quyết định thành lập từ năm 1999, hiện nay gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie (Campuchia), Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào), Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước (Việt Nam). Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam vào tháng 8-2014 tại Viêng Chăn (Lào) đã nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam về xây dựng “Quy hoạch phát triển ngành Du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác 3 nước.
Khảo sát tiềm năng phát triển du lịch trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh
Khảo sát tiềm năng phát triển du lịch trên sông Sê San (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Phương Linh
Nhìn chung, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và trình độ phát triển. Khu vực này hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo, nguyên sơ, có giá trị cao cho phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hóa. Đây là một vùng cao nguyên rộng lớn, là nơi đầu nguồn của nhiều con sông có vị trí rất quan trọng về sinh thái và quốc phòng-an ninh của mỗi quốc gia như: Mekong, Sêrêpốk và Sê San. Khu vực Tam giác phát triển có 2 dạng địa hình chủ yếu gồm: địa hình cao nguyên với nhiều ghềnh, thác, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và địa hình gắn với các con sông lớn tạo ra những bãi bồi ven sông, hệ thống đảo trên sông, sân chim, khu bảo tồn tự nhiên…
Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong Tam giác phát triển dễ dàng kết nối, mở rộng giao lưu, liên kết, phát triển kinh tế-xã hội chính là hệ thống giao thông đường bộ thông suốt. Các trục quốc lộ 78 (Campuchia) và 18, 16 (Lào) nối với các quốc lộ 14, 19, 24, 49 (Việt Nam) và nối toàn bộ khu vực này với các cảng biển của Việt Nam; ngoài ra qua quốc lộ 7 (Campuchia) và 13 (Lào) nối với Phnôm Pênh và Viêng Chăn, qua quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam sẽ giúp kết nối các tiềm năng du lịch của 3 nước, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế-xã hội khu vực”.
Nhiều thách thức
Giàu tiềm năng song khu vực Tam giác phát triển lại khá khiêm tốn trong việc thu hút lượng khách du lịch. Theo thống kê, các tỉnh thu hút nhiều khách quốc tế gồm: Champasak, Attapeu, Kon Tum, Đak Lak; tổng lượng khách quốc tế năm 2018 đến khu vực chỉ đạt khoảng 863.600 lượt. Đây là con số quá khiêm tốn khi so sánh với bất kỳ một điểm du lịch đô thị nào của mỗi nước. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế và nội địa đến với các tỉnh của Campuchia còn hạn chế bởi các địa phương này đều không có cảng hàng không nào. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thông tin: “So với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển thì các tỉnh tại Việt Nam thu hút lượng khách du lịch nội địa nhiều nhất. Điều này cũng do xu hướng du lịch trong nước ở Việt Nam gia tăng rất mạnh cùng với các chiến dịch kích cầu nội địa trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Nhờ đó, năm 2018, lượng khách du lịch nội địa đến các tỉnh khu vực Tam giác phát triển ở Việt Nam là hơn 2,2 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng trên 19%/năm cho cả giai đoạn.
Du lịch sinh thái là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực Tam giác phát triển. Ảnh: P.L
Du lịch sinh thái là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực Tam giác phát triển. Ảnh: P.L

Ông Hà Văn Siêu-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Hội thảo đã thành công khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho việc tổng hợp, soạn thảo xây dựng kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Trong đó, các đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cấp giao thông đường bộ, phát triển đường không, kết nối các không gian du lịch, hình thành chuỗi du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên nền tảng chung... là điều cần thiết để đưa du lịch của khu vực cất cánh.


Một trong những trở ngại cho việc phát triển du lịch tại Tam giác phát triển chính là lực lượng lao động du lịch. Lao động trong ngành có số lượng lớn nhất tại các tỉnh của Việt Nam với khoảng gần 12 ngàn người năm 2018. Trong khi đó, ở các tỉnh của Lào có khoảng 7,6 ngàn lao động và Campuchia chỉ khoảng 2,7 ngàn. Ngoại trừ một số thành phố lớn ở Đak Lak, Champasak, Gia Lai, Kon Tum, chất lượng lao động ở các tỉnh khác còn hết sức hạn chế. Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong quá trình phát triển du lịch của khu vực này.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch của các tỉnh trong khu vực còn nghèo nàn, các không gian du lịch vẫn chưa được kết nối, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Sok Sokun-Phó Cục trưởng Cục Phát triển Du lịch và Hợp tác Quốc tế Campuchia-Bộ Du lịch Campuchia-cho rằng: Hệ thống giao thông ở các tỉnh của Campuchia thuộc khu vực Tam giác phát triển còn rất kém, gây khó khăn cho việc đi lại của khách du lịch. Giải pháp trước mắt là cần nâng cấp cửa khẩu, tìm nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, để xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, các địa điểm du lịch trong khu vực Tam giác phát triển cần kết nối được với các điểm “du lịch vàng” trong nước như Angkor Wat, Siem Reap... từ đó tạo sự kết nối các không gian du lịch, thu hút du khách. Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ (Vụ Kế hoạch-Tài chính Tổng cục Du lịch) cũng đã nêu ra một số dòng sản phẩm nổi bật dựa trên những tiềm năng đặc trưng của khu vực như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch di sản và du lịch mạo hiểm. Còn bà Phonemaly Inthapphome-Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Lào thì nêu ý kiến: Trong năm qua, có một lượng khách không nhỏ đến Lào là thế hệ con, cháu muốn đi thăm lại các chiến trường xưa-nơi mà cha anh mình đã hy sinh trong khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ở các tỉnh của Việt Nam cũng có tuyến đường Hồ Chí Minh nối nhiều di tích lịch sử, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch này. Dù vậy, bà Phonemaly Inthapphome cũng nhấn mạnh: “Du lịch phát triển luôn đi kèm với yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm du lịch phải đa dạng, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch. Đây là điều mà các nước trong khu vực cần lưu tâm”. 
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm