Du lịch

Du lịch mạo hiểm đến Virunga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Virunga ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) được đánh giá là một trong những công viên quốc gia gây ấn tượng nhất cho du khách đến châu Phi. Nhưng, Virunga đã trở thành điểm đến du lịch nguy hiểm sau vụ một nhân viên bảo vệ bị giết chết và 2 du khách người Anh bị bắt cóc (về sau được thả).

Sự cố buộc ông chủ công viên – hoàng tử Bỉ Emmanuel de Merode – phải thông báo tạm ngưng mọi hoạt động du lịch đến nơi đây.

Vụ giết người và bắt cóc táo tợn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển du lịch để kiếm tiền cho mục đích bảo vệ công viên quốc gia Virunga được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Công viên Virunga – chiếm diện tích 7.800 km vuông – được coi là một trong những địa điểm du lịch nguy hiểm nhất hành tinh.


 

 2 du khách người Anh – Bethan Davies và Robert Jesty – bị phiến quân bắt cóc.
2 du khách người Anh – Bethan Davies và Robert Jesty – bị phiến quân bắt cóc.



Theo Hoàng tử De Merode, khoảng từ 1.500 đến 2.000 chiến binh vũ trang thuộc nhiều nhóm phiến quân khác nhau tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên phong phú của Virunga cũng như các khu vực bao quanh. Bọn chúng đánh bắt cá bất hợp pháp, săn trộm động vật hoang dã, đốn cây quý hiếm. Thậm chí, bọn chúng còn giết người, cưỡng bức phụ nữ và bắt cóc dân địa phương lẫn người nước ngoài.

De Merode cho biết: “Năm 2017, buôn lậu các nguồn tài nguyên thiên nhiên mang về cho bọn tội phạm ước hơn 170 triệu USD mà trong đó khoảng 47 triệu USD rơi vào tay các nhóm phiến quân”. Tình trạng hỗn loạn diễn ra trong công viên Virunga liên quan đến việc xã hội DRC rối loạn sau khi tổng thống Mobutu Sese Seko mất quyền lực và cuối cùng bị phế truất năm 1997.

Hoàng tử De Merode nói về quyết định tạm đóng cửa Virunga: “Chúng tôi tạm đóng cửa công viên cho đến khi nào có thể bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan. Chúng tôi cho rằng thời gian đóng cửa có thể kéo dài và điều đó ảnh hưởng xấu về mặt tài chính cũng như tiếng tăm của Virunga”. Du lịch đóng góp khoảng 2 triệu USD cho ngân sách hàng năm vào khoảng 9 triệu USD của Virunga.

 

 Rachel Masika Baraka, 25 tuổi, là nữ nhân viên bảo vệ đầu tiên bị sát hại tại Virunga.
Rachel Masika Baraka, 25 tuổi, là nữ nhân viên bảo vệ đầu tiên bị sát hại tại Virunga.



De merode tiết lộ: “Phần lớn nguồn tài trợ đến từ Quỹ Buffet – tổ chức từ thiện của tỷ phú Mỹ Warren Buffet - và Liên minh châu Âu (EU). Được thành lập năm 1925 bởi nhà vua Bỉ King Albert I; Virunga nổi tiếng với những cánh rừng, thảo nguyên, cánh đồng phủ dung nham núi lửa, đầm lầy, những thung lũng bị xói mòn, núi lửa vẫn còn hoạt động cũng như dãy núi Rwenzori xinh đẹp. Virunga cũng nổi tiếng với sự đa dạng của đời sống hoang dã trong đó bao gồm 880 con khỉ đột núi (chiếm ¼ số khỉ đột còn lại trên thế giới) và 2.500 con hà mã sống dọc bờ Hồ Edward và 3 con sông trong công viên. Giá vào tham quan Virunga đến 400 USD/ngày và giá lưu lại trong nhà nghỉ đến ít nhất 300 USD/ngày.

Rachel Masika Baraka, 25 tuổi, là nữ nhân viên bảo vệ đầu tiên bị giết chết tại Virunga khi đang cố gắng giải cứu 2 du khách người Anh – Bethan Davies và Robert Jesty – khỏi bị phiến quân bắt cóc với ý đồ đòi tiền chuộc. De Merode cho biết: “Rachel Baraka là một trong số 26 nữ nhân viên bảo vệ công viên Virunga. Sự hy sinh của Baraka cho thấy cô rất can đảm và có trách nhiệm cao với công việc của mình”.


 

 Khỉ đột núi trong công viên Virunga.
Khỉ đột núi trong công viên Virunga.



Bản thân De Merode cũng từng suýt chết trong một cuộc phục kích của phiến quân gần công viên hồi năm 2014. Lần đó, De Merode bị bắn 4 phát đạn trúng dạ dày và hai chân. Trước  khi bị bắn, De Merode được cho là đã trao cho một công tố viên thông tin nhạy cảm về vụ khai thác dầu mỏ trái phép tại Virunga. Tháng 4-2018, 5 nhân viên bảo vệ công viên và tài xế của họ bị bắn chết trong một cuộc phục kích của phiến quân. Từ năm 1925 cho đến nay tổng cộng có đến 175 nhân viên bảo vệ bị giết chết khi đang tuần tra công viên.

Một nhân viên bảo vệ phát biểu trong một video về công viên: “Chúng tôi sẽ bị phán xét nếu không làm tròn bổn phận bảo vệ công viên. Mong ước của chúng tôi là công viên được trường tồn”. Theo De Merode, lực lượng bảo vệ công viên gồm hơn 500 người được huấn luyện bởi các sĩ quan đặc nhiệm tinh nhuệ châu Âu. De Merode, nhà nhân chủng học và nhà hoạt động bảo tồn thiên nhiên, được chỉ định làm giám đốc Virunga từ năm 2008.

An An tổng hợp (cand)

Có thể bạn quan tâm