(GLO)- Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phân khu vực miền Trung - Tây Nguyên thành ba vùng du lịch, gồm: Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là khu vực có lợi thế cả về điều kiện tự nhiên, văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch.
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy mà, miền Trung - Tây Nguyên vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, tìm giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch có đẳng cấp quốc tế.
Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) điểm đến du khách không thể bỏ qua khi lên Tây Nguyên. Ảnh: Doãn Vinh |
Du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn lạc hậu, nhàm chán
Miền Trung - Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố và phân thành ba vùng du lịch có sự khác biệt tương đối rõ nét về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư. Nếu như vùng Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Huế) và Duyên hải Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) có nhiều di sản thiên nhiên, bãi biển đẹp, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có khí hậu ấm áp quanh năm rất thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch khám phá, nghỉ dưỡng biển. Còn khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum lại có khí hậu khá mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ, nhiều thác nước, khu bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc, thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, văn hóa, lễ hội. Điều đáng nói là khu vực miền Trung - Tây Nguyên có thể gắn kết với nhau và kế nối với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong ba nước Đông Dương tạo thành các tua du lịch hấp dẫn.
Đây là khu vực phát triển du lịch sôi động nhất cả nước, hứa hẹn mang lại thương hiệu đẳng cấp cho du lịch Việt Nam và đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực, chủ động hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của các điểm đến trong từng địa phương và trong toàn khu vực. Năm 2016, trong số khoảng 6,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến khu vực, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4,41 triệu khách, vùng Bắc Trung Bộ đón 1,48 triệu khách và vùng Tây Nguyên đón với con số còn khiêm tốn với 0,55 triệu khách. Nhiều thương hiệu nổi bật trong khu vực, như: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt… tiếp tục được khẳng định, nhiều thương hiệu điểm đến đang nổi lên, như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Lý Sơn, Quy Nhơn, Phú Yên. Sản phẩm du lịch cũng đa dạng, nhiều điểm đến du lịch tiếp tục được vinh danh tầm thế giới.
Hội đua thuyền truyền thống của TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phi Long |
Tuy nhiên, du lịch miền Trung - Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai với các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội du lịch tỉnh về định hướng phát triển du lịch trên địa bàn, ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thừa nhận: "Lâu nay, ta (tỉnh Gia Lai-lời phóng viên) vẫn làm theo kiểu áp đặt mà không căn cứ nhu cầu thực tế. Chúng ta cần nghiên cứu, học tập một số tỉnh miền núi phía Bắc, như: Lào Cai, Hà Giang để xem họ làm thế nào. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch cụ thể, tổ chức quảng bá du lịch hiệu quả hơn". Tại diễn đàn "Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP Tam Kỳ, TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Du lịch miền Trung - Tây Nguyên còn lạc hậu, nhàm chán, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa nghiệp dư". Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều vấn đề bất cập, như: hệ thống sản phẩm du lịch còn trùng lặp giữa các địa phương, hoạt động của du khách mới chỉ dừng lại ở nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan và ẩm thực, thiếu những hoạt động vui chơi giải trí trải nghiệm văn hóa vùng miền, khiến ngày lưu trú của du khách còn ngắn, chi tiêu du lịch chưa cao, đặc biệt là chưa tạo được những dòng sản phẩm có chất lượng, đẳng cấp thương hiệu để thu hút được phân khúc khách du lịch cao cấp.
Để du lịch miền Trung - Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia về kinh tế, du lịch và các tập đoàn, doanh nghiệp tại Diễn đàn "Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu", chúng tôi nhận được những đánh giá, nhận định tương đối giống nhau: du lịch miền Trung - Tây Nguyên đang đang hội tụ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng tới đẳng cấp thương hiệu. Đặc biệt là ngay đầu năm nay, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có nghĩa là du lịch được Đảng ta nhận thức đúng đắn và nâng tầm thành mũi nhọn của nền kinh tế với tư duy mới, quan điểm, mục tiêu, giải pháp lãnh đạo đồng bộ, hiệu quả. Vấn đề còn lại là các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, yếu kém để đưa du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành du lịch.
TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII trăn trở khi cho rằng, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đang phát triển theo hướng trải đều, không có điểm nhấn, nên sản phẩm có thương hiệu đẳng cấp quốc tế chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần phải dồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo bốn trụ cột của du lịch, "ở đâu, chơi đâu, ăn cái gì và mua cái gì mang về". Cũng theo TS Trần Du Lịch mỗi tỉnh chỉ nên chọn một điểm nhấn để đầu tư, quảng bá, xây dựng thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế. Còn PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì khẳng định, đã đến lúc miền Trung - Tây Nguyên không thể làm du lịch như một người nông dân tốt bụng, theo kiểu có sao làm vậy, có gì ăn nấy. Do đó, cần phải có một chính sách dài hơi cho du lịch, trong đó, phải lường trước được các biến cố về chính trị, kinh tế thế giới, nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng.
Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Phi Long |
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hồ hởi đón nhận Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và tin tưởng ở "Chính phủ kiến tạo, hành động" sẽ tạo ra những động lực mới, nhân tốt mới cho ngành du lịch. Theo các doanh nghiệp, làm du lịch không thể chộp giật, ăn xổi được. Sản phẩm du lịch phải là sự kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc vùng miền và phương tiện, công nghệ hiện đại. Vì vậy, muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sản phẩm mang đẳng cấp thương hiệu quốc tế phải có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và cả cộng đồng chứ không chỉ riêng doanh nghiệp. Chỉ khi nào chính quyền địa phương ứng xử với du lịch đúng tính chất của ngành kinh tế mũi nhọn, để có hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp và khi nào mỗi người dân là một sứ giả du lịch khi đó du lịch mới có sơ sở để phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn "Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu", đồng chí Vũ Đức Đam-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị trên cùng một sản phẩm, chúng ta phải "xắn tay áo lên để cùng làm" bằng những hành động cụ thể, để du lịch trở thành mũi nhọn thực sự. Các địa phương trong khu vực cần tăng cường liên kết; tạo mọi điều kiện để cộng đồng, người dân làm du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt. Các cơ quan liên quan và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của Hiệp hội du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của du lịch; đồng thời phải phát huy tốt vai trò của hiệp hội du lịch; hiệp hội du lịch cần kéo các doanh nghiệp vào cuộc, nhất là trong việc tham gia đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển của ngành du lịch và của từng doanh nghiệp. Đồng chí Phó Thủ tướng tin tưởng, sau 5 năm nữa với sự chung tay của cả cộng đồng, du lịch miền Trung - Tây Nguyên vừa có tính độc đáo từng địa phương vừa có sự liên kết vùng sẽ thu được những kết quả như mong đợi.
Anh Tùng