Du lịch

Du lịch Pleiku trong tầm nhìn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, Pleiku đã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai với môi trường, cảnh quan tự nhiên có nhiều lợi thế và một số cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư trong những năm qua là nền tảng để phát triển du lịch lên một tầm cao mới, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 
Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của TP. Pleiku là xây dựng đô thị văn minh, hiện đại phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thành phố hướng tới phát triển đô thị thành "cao nguyên xanh vì sức khỏe", Nhân dân các dân tộc có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Riêng lĩnh vực du lịch, một trong những tầm nhìn phát triển trong tương lai của TP. Pleiku là khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố; kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực miền Trung-Tây Nguyên để hình thành các điểm, tuyến du lịch có chất lượng, thu hút du khách. Phấn đấu xây dựng Pleiku là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Hiện nay, Pleiku đã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với môi trường, cảnh quan tự nhiên có nhiều lợi thế và một số cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư trong những năm qua là nền tảng để phát triển du lịch lên một tầm cao mới, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhưng điều đáng quan tâm là sự tăng trưởng kinh tế của thành phố còn thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm. Nguồn vốn dành cho phát triển hệ thống hạ tầng đô thị còn mỏng. Nếp sống văn minh đô thị chưa trở thành ý thức tự giác trong cộng đồng; công tác bảo vệ môi trường sinh thái còn bất cập, chưa hình thành thói quen ở mỗi cá nhân và tập thể. Các điểm tham quan, du lịch trong thành phố chưa đầu tư đúng mức và chuyên nghiệp nên chưa hấp dẫn và không lưu giữ được du khách.
Hạ tầng đô thị Pleiku ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Quang Tấn
Hạ tầng đô thị Pleiku ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Quang Tấn
Nhiều đoàn du khách nhận xét rằng: Phố núi Pleiku có không gian rất đẹp và mang đường nét cao nguyên khá tự nhiên và lãng mạn. Cư dân nơi đây có nếp sống chân chất, hài hòa và mến khách. Thiên nhiên ưu đãi cho đô thị này những dấu tích núi lửa đã tắt hàng triệu năm, kể cả vùng núi lửa âm như Biển Hồ và núi lửa dương như Hàm Rồng rất đặc biệt trong cấu trúc về hình dáng và cảnh quan không phải nơi nào cũng có, được nhiều người chú ý, tìm hiểu và chiêm ngưỡng.
Với đặc điểm vùng ven đô có nhiều thung lũng và đồi núi, thảo nguyên rộng có thể quy hoạch thành những điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp hấp dẫn nhưng vẫn chưa được chú trọng khai thác hợp lý. Các buôn làng dân tộc bản địa ven thành phố là những thành tố quan trọng và đặc trưng với các sắc màu văn hóa độc đáo cho vùng cao nguyên nên cần được tập trung quy hoạch theo cách bảo tồn không gian và nền văn hóa đặc sắc của mỗi buôn làng; tạo mọi điều kiện để người dân có thể sống bằng chính sức lao động qua ngành nghề truyền thống và lối canh tác nông nghiệp của mình.
Ở nội đô Pleiku có nhiều không gian đẹp, cần tạo ra các điểm nhấn để gây ấn tượng đặc biệt cho mỗi loại hình văn hóa, nhất là khai thác đúng mức dọc theo không gian chiều dài suối Hội Phú vừa tạo ra các khu vui chơi giải trí vừa có các công viên xanh-sạch với môi trường sinh thái trong lành, đa dạng.
Thành phố cần có những chính sách phù hợp để phát triển du lịch ở tầm nhìn dài hạn, trong đó có chính sách ưu tiên đầu tư đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, kể cả số nhân viên dịch vụ ở các nhà hàng, khách sạn… Vận động nhân dân thực hiện phương châm: nhà sạch, đường sạch, khu phố sạch, người người thân thiện, ứng xử có văn hóa, hình thành nếp sống đô thị văn minh, có bản sắc. Hàng năm, trong công tác thi đua ở cơ sở cần có sự tôn vinh các cá nhân, tập thể có công đóng góp phát triển các loại hình du lịch, thu hút nhiều du khách.
Để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của Pleiku, hướng đến mục tiêu “cao nguyên xanh vì sức khỏe”, chúng ta cần có kế hoạch hành động cụ thể ngay từ bây giờ. Như vậy, để tạo ra một môi trường sống hài hòa cùng thiên nhiên, mỗi người dân đô thị phải làm gì hàng ngày nhằm góp phần kiến tạo một thành phố xanh-sạch-đẹp?
Chúng ta bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất là không xả rác nơi công cộng; thấy rác là nhặt gom đúng vị trí quy định; trồng hoa và cây xanh trong khuôn viên nhà ở; bảo vệ và làm sạch những nơi công cộng như công viên, nhà văn hóa, trường học quanh khu vực mình đang sống; thường xuyên tự rèn luyện sức khỏe, bảo đảm cuộc sống cá nhân và gia đình lành mạnh, nền nếp, tuân thủ pháp luật…
Trong các trường học, giờ ngoại khóa và thời gian rèn kỹ năng sống, thầy-cô giáo cần ưu tiên các nội dung giáo dục về nếp sống văn minh đô thị, biết nói tiếng cảm ơn và lời xin lỗi; thực hành các kỹ năng và hình thành thói quen vệ sinh cá nhân; biết phân loại rác thải và gom lại đúng vị trí, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đó là những hành vi giản đơn của một công dân đô thị văn minh cần được hình thành trong nếp sống mỗi ngày.
HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm