Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được chính phủ thông qua ngày 22-1 đặt ra mục tiêu Việt Nam thu hút ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về du lịch trong Đông Nam Á - Ảnh: N.BÌNH
Trong những ngày làm việc cuối năm, Việt Nam vừa thông qua Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu thu hút ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030.
Mục tiêu này tăng khoảng 32 triệu lượt so với năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Chiến lược đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường.
Theo chiến lược này, du lịch sẽ phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Và để thực hiện hoá mục tiêu, một trong những nhiệm vụ đột phá là tạo thuận lợi nhất về thủ tục cấp thị thực cho du khách quốc tế, áp dụng chính sách thị thực điện tử (e-visa) với tất cả thị trường khách quốc tế, bảo đảm khách được nhập và xuất cảnh một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, Chu Lai, bên cạnh đó là việc nâng cấp, mở rộng sân bay tại các địa bàn trọng điểm và tiềm năng. Trước hết, là tại các sân bay như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn... Việt Nam cũng xem xét đầu tư xây dựng một số cảng biển quốc tế và các tuyến đường bộ kết nối với các khu du lịch quốc gia.
Ngoài ra, các nhiệm vụ được xem là đột phá cho ngành du lịch phát triển còn có đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, có chất lượng và quy mô lớn mang đẳng cấp quốc tế; phát triển du lịch thông minh và du lịch cộng đồng.
Chiến lược cũng nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa.
Trong vòng 10 năm tới, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, giải trí biển sẽ là dòng sản phẩm được ưu tiên phát triển bên cạnh một số sản phẩm khác như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái và thể thao mạo hiểm...
Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về du lịch trong Đông Nam Á và 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỉ đồng (tương đương 77 - 80 tỉ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm.
Về khách du lịch, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.
Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỉ đồng (tương đương 130 - 135 tỉ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm. |
N.Bình (TTO)