Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch trekking: An toàn là yếu tố hàng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Loại hình trekking-hiking đang ngày càng phát triển, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch tại Gia Lai, thu hút du khách khắp nơi tìm đến trải nghiệm. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phục vụ tour du lịch đặc thù này lại không nhiều. Do vậy, du khách cần những lựa chọn an toàn khi quyết định tham gia.
Đầu năm 2018, anh Nguyễn Thanh Trung-một hướng dẫn viên du lịch tự do-quyết định trở về quê hương làm hướng dẫn viên các tour du lịch trekking-hiking (đi bộ khám phá đường dài). Thời điểm này, tour chinh phục Chư Nâm-nóc nhà phía Tây của tỉnh và thác 50-“đệ nhất thác” của cao nguyên Gia Lai đang bắt đầu được du khách chú ý.
Đến nay, tour “Chinh phục thác 50-Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng” (huyện Kbang) và “Đi để thấy đường chân trời Pleiku-Chinh phục đỉnh Chư Nâm-Gia Lai” đã trở thành những sản phẩm du lịch có “thương hiệu”, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây cũng là 2 trong số 5 tour kích cầu vừa được ngành du lịch giới thiệu, quảng bá tại các tỉnh thành trong khu vực và cả nước.  
Anh Trung cho biết, trekking-hiking là tour đặc thù, mạo hiểm, đòi hỏi người dẫn đường không chỉ thuần thục đường đi lối lại, có sức khỏe tốt để khuân vác đồ đạc mà còn phải có kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm gặp trên đường (rắn độc cắn, lạc rừng, đuối nước…).
“Chuyến đi chỉ hoàn hảo khi có tour-guide (người hướng dẫn), đội ngũ porter (người khuân vác, chuẩn bị bữa ăn, dựng lều ngủ), support (hỗ trợ, trợ giúp mọi việc khi cần). Mỗi chuyến luôn giới hạn số lượng khách, mỗi porter chỉ được quản tối đa 3 người để đảm bảo không xảy ra sự cố nào. Ngoài ra, cần phải mua bảo hiểm cho khách thích du lịch mạo hiểm nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi của khách”-anh Trung nói.
Mỗi chuyến trekking luôn cần đội ngũ người dẫn đường, khuân vác đồ đạc, hỗ trợ du khách. Ảnh: Vntrek
An toàn cho du khách là tiêu chí hàng đầu đặt ra đối với những tour trải nghiệm, mạo hiểm, do đó đòi hỏi đội ngũ dẫn đường phải được trang bị đầy đủ các kỹ năng. Tuy nhiên, theo anh Trung, nhiều bạn trẻ dù yêu thích công việc này nhưng chưa được đào tạo bài bản. Với kinh nghiệm dẫn tour mạo hiểm, anh Trung thường kiêm thêm công việc bất đắc dĩ là truyền lửa nghề lẫn kỹ năng nghề cho những bạn trẻ muốn theo đuổi công việc này.
Anh Trung tâm sự: “Với mong muốn tạo ra những cuộc phiêu lưu mạo hiểm vừa an toàn, vừa thỏa mãn khao khát chinh phục thiên nhiên của du khách, những người làm tour như chúng tôi luôn phải trang bị kiến thức, kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm qua những chuyến đi, điều mà không trường lớp hướng dẫn nào dạy hết được. Hiện nay, các tour trekking-hiking, camping (cắm trại) có lượng du khách ổn định, lịch khởi hành hàng tuần nên việc phải mở rộng đội ngũ là nhu cầu tất yếu. Các anh em tham gia đội ngũ support, porter thường được lựa chọn rất kỹ vì không phải ai cũng hợp với nghề này”.
Lý do, những người tham gia đội ngũ support có lúc phải vác ba lô nặng đến 30-40 kg, lại di chuyển đường rừng núi liên tục nên để theo nghề thì phải có sức khỏe, có đam mê thực sự, nhất là chịu khó, chịu khổ. “Đội ngũ của nhóm chúng tôi hiện có 7 người, may mắn đây đều là những thanh niên bản địa ưa khám phá, thích du lịch mạo hiểm, đặc biệt là yêu thiên nhiên”-anh Trung cho hay. 
Làm công việc này hơn 2 năm qua, anh Trần Văn Tuấn (trú xã Al Bá, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Tôi đã tham gia nhiều chuyến đi rừng lẫn leo núi. Cái vất vả nhất của nghề này là dù nắng hay mưa vẫn phải lên đường, có khi mang vác đến 40 kg đồ đạc trên lưng. Có những chuyến đi gần như mình phải vắt kiệt sức. Như lần đi thác 50, đoàn khách lên tới 20 người (số lượng tối đa) nên chúng tôi phải cõng ba lô nặng gần gấp đôi với đồ ăn, lều trại, túi ngủ... đi bộ suốt nhiều giờ. Bù lại, công việc cho tôi nguồn thu nhập tạm ổn. Tôi hy vọng du lịch trải nghiệm sẽ ngày càng có sức hút với du khách trong và ngoài nước để mọi người biết đến Gia Lai nhiều hơn, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.
Anh Trung cho biết thêm, cuối tháng 5 vừa qua, anh cùng đội ngũ cộng sự đã chính thức chào bán tour mới toanh: “Pa Sai La-con đường của cây cỏ và chim muông” ở Krông Pa. Anh chia sẻ: “Chúng tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên khi đi khảo sát để mở tour ở vùng chảo lửa. Tôi hy vọng tour trekking sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với du lịch Krông Pa. Tin rằng những du khách từng chinh phục Chư Nâm hay thác 50 cũng sẽ yêu thích cung đường mới này”.
Ngoài sự hỗ trợ của đội ngũ support, porter, hiện anh Trung còn liên kết với một số công ty lữ hành để tổ chức các tour trải nghiệm một cách chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho du khách.
Trước sức hút của các tour du lịch đặc thù trên tại Gia Lai, một số bạn trẻ đã chào bán tour tự phát một cách tràn lan. Anh Trung nhìn nhận: “Mặt tích cực của các tour tự phát là góp phần quảng bá cho loại hình du lịch này tại Gia Lai. Trước đây, cung đường Tà Năng-Phan Dũng (trải dài trên địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam-N.V) được biết đến cũng là nhờ những người dẫn tour tự phát. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là nếu xảy ra sự cố, trong trường hợp người dẫn đường không đủ kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của du khách, gián tiếp gây ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch của tỉnh. Vì vậy, du khách khi lựa chọn du lịch trekking tại Gia Lai cần lựa chọn những đơn vị tổ chức chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm