Du lịch

Tin tức

Du lịch Việt Nam bao giờ trở lại thời hoàng kim?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mức chi tiêu sụt giảm của du khách, đi kèm chi phí vận hành tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn. Doanh nghiệp cần có những giải pháp mới mẻ để phát triển bền vững, kích cầu ngành du lịch nước nhà. 

Thách thức bủa vây ngành du lịch

Ngành du lịch toàn cầu, bao gồm Việt Nam trở nên "tê liệt" vì dịch bệnh. Nhớ lại thời hoàng kim khi COVID-19 chưa xuất hiện (từ năm 2015-2019), khách quốc tế tới Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Năm 2019 ngành du lịch đóng góp trên 9,2% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019.

COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam vào trạng thái "đóng băng" khi đang tăng trưởng vượt bậc.

COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam vào trạng thái "đóng băng" khi đang tăng trưởng vượt bậc.

Đang trên đà thực hiện mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại dịch COVID-19 có sức công phá khổng lồ đã kéo ngành du lịch chạm đáy, chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019.

Bằng chứng là năm 2019 tổng doanh thu từ khách du lịch là 755.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ còn 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% so với 2019. Năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Đã có tới 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Điều đó khiến hàng triệu lao động phải nghỉ việc.

Kể lại thời điểm khó khăn ấy, đại diện công ty du lịch Hoa Mai Tourist cho biết: "Cách đây chừng 7-8 năm, thời điểm mà du lịch Việt Nam khởi sắc và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến, nhiều nước phải đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, những người làm du lịch như chúng tôi như 'ngồi trên đống lửa'. Cả năm 2020, doanh thu của công ty chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng. Đau đớn và chua xót vô cùng".

Không chỉ doanh nghiệp du lịch, những người kinh doanh ở những thành phố du lịch cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với PVTiền Phong, anh N.V.H. - chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở thành phố Đà Nẵng - chia sẻ rằng trước đại dịch, cửa hàng anh đón hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm/ngày, nhất là vào những dịp lễ Tết.

"Khi ấy, đặc biệt dịp Tết Âm lịch, lượng khách đến quán tăng gấp 3-4 lần so với ngày bình thường vì đây là thời điểm du khách đi hành hương, nhưng từ khi COVID-19 ập tới, tất cả hàng quán phải đóng cửa gần năm trời, chưa bao giờ tôi thấy thành phố du lịch Đà Nẵng lại 'ốm' lâu đến vậy. Rồi khi hết giãn cách, mở cửa trở lại thì lạm phát tăng cao, du khách nội địa luôn rất tiết kiệm khi đi du lịch nên khó khăn cứ thế mà chồng chất khó khăn", anh N.V.H. tâm sự.

Nhiều địa điểm lưu trú vắng khách trong thời kỳ bệnh dịch. Ảnh: Trần An.

Nhiều địa điểm lưu trú vắng khách trong thời kỳ bệnh dịch. Ảnh: Trần An.

Cho đến thời điểm Tết Âm lịch năm 2024, ngành du lịch Việt vẫn còn nhiều thách thức. Ông Bùi Thanh Tú - đại diện của đơn vị lữ hành Best Price - nhận định rằng chi phí vận hành doanh nghiệp đã tăng cao trở lại thời kỳ trước dịch bệnh, nhưng doanh thu chưa phục hồi khiến lợi nhuận bị "mỏng đi".

Một số chuyên gia bày tỏ sự quan tâm tới hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi và cho rằng là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến những khó khăn cho ngành du lịch. Điển hình như trước đây, du khách nội địa thường đặt tour Tết Âm lịch sớm hơn 2 tháng, nhưng đến nay mọi người đặt gấp hơn, chỉ khoảng 1 tháng đổ lại. Điều này khiến một số doanh nghiệp lao đao khi "ôm vé" từ sớm, phải đưa ra các chương trình khuyến mại, làm giảm doanh thu.

Luôn có ánh sáng phía cuối đường hầm

Trong khó khăn, những người làm du lịch Việt Nam luôn chuẩn bị phương án để thích nghi và điều này đang giúp kinh tế du lịch trên đà hồi phục. Sau COVID-19, du lịch nội địa lập đỉnh mới vào năm 2022 khi có 101,3 triệu lượt khách, tăng 168,3% so với kế hoạch. Năm 2023, khách nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng, ở mức 108 triệu lượt.

Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt mức 10 triệu lượt trong năm 2023. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 tăng tốc với 12,6 triệu lượt khách.

Du khách quốc tế đang quan tâm nhiều hơn về các điểm đến tại Việt Nam. Ảnh: Trần An.

Du khách quốc tế đang quan tâm nhiều hơn về các điểm đến tại Việt Nam. Ảnh: Trần An.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt hơn 670.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37.800 tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sau khi bị cách ly trong nhà quá lâu bởi đại dịch, người dân cảm thấy trân trọng những chuyến đi hơn. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn khiến mọi người rất thận trọng khi chi tiêu. Du khách chỉ muốn tham gia các chuyến đi mới mẻ, xứng đáng từng đồng so với số tiền bỏ ra. Đứng trước cơ hội đưa doanh thu trở về như quỹ đạo ban đầu, các công ty lữ hành đã có tinh thần làm mới các sản phẩm.

"Thay vì đi 6 ngày 5 đêm thì bây giờ chúng tôi tiếp tục kéo tour dài ngày hơn, với các điểm đến hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu. Đồng thời, chúng tôi cũng luôn mang tới các sản phẩm sớm nhất có thể. Ví dụ như ra Tết, doanh nghiệp sẽ bắt đầu nhận đặt tour cho kỳ nghỉ 30/4-1/5", ông Bùi Thanh Tú - Công ty CP Công nghệ du Lịch BestPrice - thông tin.

Du khách Việt Nam sẵn sàng tham gia những chuyến đi mới lạ. Ảnh: Lê Viết Vinh.

Du khách Việt Nam sẵn sàng tham gia những chuyến đi mới lạ. Ảnh: Lê Viết Vinh.

Nhiều chuyên gia du lịch nhận định sự kiện người dân ồ ạt đến thăm các điểm có băng tuyết vào mùa đông năm nay chứng minh rằng du khách mong muốn và sẵn sàng chi tiền cho những chuyến đi độc lạ đến nhường nào. Quan trọng là các doanh nghiệp lữ hành, ban quản lý khu du lịch, chính quyền địa phương cần phải biết cách chuyên nghiệp hoá tất cả hoạt động trong khâu vận hành để cung cấp dịch vụ theo cách tốt nhất, tạo nên thị trường bền vững.

Cùng với đó, đầu tư chuyển đổi số trở nên đặc biệt quan trọng. Hiện nay, nhiều đại lý ở khu vực phố cổ Hà Nội chủ yếu giao dịch trực tiếp với khách hàng đang bị giảm doanh thu khi chỉ được đặt tour ngắn ngày. Trong trường hợp đi tour dài ngày, du khách sẽ quan tâm tới các kênh đặt vé trực tuyến, có thể áp dụng mã khuyến mại nhằm tiết kiệm chi phí đáng kể.

Du khách quốc tế chỉ quan tâm tới tour ngắn ngày, chi phí thấp khi đặt trực tiếp. Ảnh: Trần An.

Du khách quốc tế chỉ quan tâm tới tour ngắn ngày, chi phí thấp khi đặt trực tiếp. Ảnh: Trần An.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng muốn hoạt động ổn định để kích thích khách hàng, góp phần tạo đà phát triển cho ngành du lịch, các cấp quản lý nên có những phương án hỗ trợ cấp thiết. Đặc biệt, để thắt chặt dòng tiền, nhiều hãng hàng không yêu cầu đơn vị hoạt động du lịch phải đặt cọc mua vé máy bay cho cả năm thay vì từng quý như trước đây.

Điều đó khiến các đơn vị lữ hành phải bỏ ra số vốn rất lớn, ước tính khoảng 10 tỷ đồng cho mỗi chặng bay quốc tế/năm. Nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ rằng vay vốn ngân hàng cho công ty du lịch thường khó hơn các đơn vị sản xuất vì không có nhiều tài sản thế chấp. Vì vậy, các đại diện công ty lữ hành hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những gói vay hợp lý cho loại hình kinh doanh đặc thù này.

Có thể bạn quan tâm