Du lịch

Tin tức

Du lịch Việt Nam: Chặng đường sau 1 năm phục hồi từ con 'số âm'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chặng đường 1 năm tái khởi động du lịch Việt từ con số âm hậu đại dịch có cả những niềm vui, nỗi buồn và nhiều xót xa. Việt Nam hấp dẫn trên các bảng bình chọn nhưng lại thiếu sức cạnh tranh thực tế.
(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ảnh: CTV/Vietnam+

Việt Nam “mở cửa” hoàn toàn các hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 trong niềm vui vỡ òa của cộng đồng doanh nghiệp, mang lại hy vọng cho ngành "công nghiệp không khói" khi là một trong những quốc gia tiên phong triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch COVID-19.

Chặng đường mới khởi động cùng hàng loạt giải thưởng do thế giới vinh danh lẽ ra phải thu hút được đông khách quốc tế đến nhưng kết quả du lịch đã không thể cán đích 5 triệu khách ngoại, thậm chí còn thua kém nhiều nước láng giềng “đi sau.”

“Điểm sáng” trên các bảng bình chọn

Mặc dù trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra từ đầu năm 2020, song kể từ khi chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, Việt Nam vẫn có nhiều điểm đến được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng.

Cuối năm 2022, Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh Việt Nam ở 16 hạng mục, trong đó có 5 danh hiệu lớn: Hà Nội được trao giải Thành phố hàng đầu thế giới cho các kỳ nghỉ ngắn; Phú Quốc là Điểm đến đảo hàng đầu thế giới; Tam Đảo là Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới: Mộc Châu là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới; Việt Nam là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2022.

Gần đây, Ninh Bình trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong top 10 địa điểm thân thiện với du khách thế giới do hàng trăm nghìn du khách đã có trải nghiệm thực tế bình chọn tại giải Traveller Review Awards 2023 của Booking.

Phú Quốc được bình chọn là Điểm đến đảo hàng đầu thế giới. Ảnh: CTV/Vietnam+

Phú Quốc được bình chọn là Điểm đến đảo hàng đầu thế giới. Ảnh: CTV/Vietnam+

"Travel + Leisure", tạp chí chuyên về du lịch nổi tiếng của Mỹ vừa công bố danh sách 21 hành trình “thay đổi cuộc đời mà du khách nên trải nghiệm ít nhất một lần.” Trong đó, hành trình xuyên Đông Nam Á giới thiệu Việt Nam và Thái Lan là điểm đến “không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào, đặc biệt là những người sành ăn và yêu thích ẩm thực đường phố.”

Các chuyên gia hàng đầu của Travel + Leisure khẳng định rằng, mặc dù du khách có thể dành cả tuần ở mỗi quốc gia nhưng để có chuyến đi thú vị với phong cảnh tươi đẹp, trải nghiệm văn hóa phong phú và thức ăn đặc biệt ngon thì Thái Lan và Việt Nam là lựa chọn hoàn hảo cho “tất cả trong một.”

Chuyên trang du lịch của hãng tin CNN cũng vừa đánh giá vịnh Hạ Long là một trong 25 điểm đến đẹp nhất thế giới. Đáng nói, thời gian qua, các chuyên trang du lịch toàn cầu không ngừng dành những lời “có cánh” cho vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Tháng Hai vừa qua, Travel+Leisure còn đề xuất vịnh Hạ Long là một trong bốn điểm đến lý tưởng để ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp mà du khách có thể ghé thăm bất cứ mùa nào…

Thực tế, danh sách những giải thưởng uy tín như kể trên còn dài. Điều đó cho thấy sự yêu mến, ghi nhận và tôn vinh của cộng đồng thế giới đối với sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Song, nghịch lý lại ở chỗ, dường như số lượng khách đến thời gian qua không tỉ lệ thuận với số giải thưởng ngày càng nhiều.

Du khách quốc tế đến Việt Nam sau thời điểm mở cửa du lịch 15/3/2022. Ảnh: TTXVN/Vietnam+

Du khách quốc tế đến Việt Nam sau thời điểm mở cửa du lịch 15/3/2022. Ảnh: TTXVN/Vietnam+

Ngắm bạn ngẫm mình

Theo biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 trong báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho thấy chỉ số phục hồi của nền kinh tế xanh Việt Nam năm 2022 đứng cuối bảng với 18,1% điểm. Trong khi đó, chỉ số này của Singapore xếp cao nhất với 30,9%, Malaysia là 27,5%, Thái Lan 22%...

Trong khi các doanh nghiệp Việt ngậm ngùi với số khách đến khiêm tốn còn xa đích 5 triệu người những ngày cuối năm 2022, thì ngành du lịch Thái Lan tưng bừng ghi dấu ấn cột mốc đạt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt du khách nước ngoài chỉ trong thời gian ngắn mở cửa trở lại.

Đáng nói, số khách này đã không ngần ngại rút hầu bao gần 500 tỉ baht (hơn 14,3 tỉ USD), tính trung bình mỗi người chi khoảng 50.000 baht (khoảng 1.442 USD) trong chuyến thăm “xứ sở chùa vàng.”

Thậm chí quốc đảo Singapore, từ chính sách chống dịch vô cùng nghiêm ngặt đã rất nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng việc nới lỏng quy định nhập cảnh, để đạt con số thu hút 6,3 triệu lượt khách (doanh thu gần 10,8 tỉ USD). Malaysia cũng cán đích thành công sau “bão” với 7,2 triệu lượt khách quốc tế (doanh thu khoảng 5,8 tỉ USD)…

Những con số “biết nói” cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch của các quốc gia láng giềng cùng tiềm năng vực dậy của nền kinh tế xanh khu vực Đông Nam Á.

Du lịch Việt là "điểm sáng" trên các bảng bình chọn thế giới. Ảnh: CTV/Vietnam+

Du lịch Việt là "điểm sáng" trên các bảng bình chọn thế giới. Ảnh: CTV/Vietnam+

Nhìn lại du lịch Việt Nam năm 2022, mục tiêu 5 triệu lượt khách ngoại đã hoàn toàn thất bại khi chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách. Dù du lịch có cơ hội “hồi sinh” nhưng thực tế ở các thành phố, điểm đến từng là “điểm nóng” du lịch trong nước đều lâm cảnh ế ẩm khách ngoại trong gần suốt năm 2022 như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Không ít khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế đóng cửa hoặc phải chuyển đổi công năng sang văn phòng cho thuê, thậm chí rao bán… Xót xa hơn khi những tấm biển rao bán, cho thuê còn chưa kịp cũ đã được biển rao mới dán đè lên.

Theo số liệu từ một trong những đơn vị lữ hành lớn nhất cả nước, Công ty Du lịch Vietravel, từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khách đi theo tour từ nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty chỉ đạt 25% so với năm 2019 (con số kém xa so với mục tiêu đề ra là phục hồi khoảng 70%).

Kỳ nghỉ Tết vừa qua lẽ ra đã có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt “phục thù.” Kết quả là dù khách nội địa du Xuân tăng gần 50% nhưng doanh thu lại giảm 30% so với cùng kỳ. Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân chính là người dân thắt chặt chi tiêu, bên cạnh việc thay đổi xu hướng du lịch, hay có thể do khả năng thống kê thiếu đầy đủ…

Vì sao một trong những quốc gia đầu tiên “mở toang cửa” đón khách quốc tế với quá nhiều giải thưởng được thế giới vinh danh lại có kết quả ê chề như vậy?

Sắc màu Việt Nam trong một clip quảng bá hình ảnh. Ảnh: TCDL

Sắc màu Việt Nam trong một clip quảng bá hình ảnh. Ảnh: TCDL

“Biết rồi khổ lắm nói mãi”

Khi bàn về các “nút thắt” của ngành nhiều năm qua, các chuyên gia vẫn luôn nhắc đến câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi" - visa. Vì sao Thái Lan “đi sau” nhưng lại đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, thu về 14,3 tỉ USD? Là do nước này biết tạo điều kiện cho du khách nhập cảnh dễ dàng.

Nếu Việt Nam mới chỉ miễn thị thực đơn phương và song phương cho 24 quốc gia thì Thái Lan miễn cho 64 nước với thời gian từ 30-45 ngày, một số trường hợp lên tới 90 ngày. Thậm chí, Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước...

Đáng nói, các quốc gia này hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử, thời gian lưu trú có thể dài tới 6 tháng với nhiều lần nhập cảnh ra, vào.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết hiện không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19. Bởi du khách thường bị yêu cầu phải có công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ có phí rất cao, từ 200-500 USD với những visa xin gấp (mức phí chính thức là 25 USD).

Rõ ràng, dù đã có lộ trình hồi phục, song du lịch quốc tế ở Việt Nam vẫn chưa thể tạo được cú hích với chính sách miễn visa 15 ngày. Thời gian ngắn như vậy rất khó để khách lên kế hoạch với một lịch trình trọn vẹn đến, ở lâu và chi tiêu cao.

Du lịch Việt kỳ vọng vào năm 2023 sẽ khởi sắc. Ảnh: Huy Hoàng/Vietnam+

Du lịch Việt kỳ vọng vào năm 2023 sẽ khởi sắc. Ảnh: Huy Hoàng/Vietnam+

Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ thay đổi khả quan hơn. Các cơ quan quản lý đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo nhiều chuyên gia, vào thời điểm “mở cửa,” đáng ra các đơn vị chức năng phải nhanh chóng bung lực lượng ra nước ngoài xúc tiến, quảng bá, tổ chức roadshow giới thiệu về du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm hay các quốc gia đã mở cửa rộng rãi thì thực tế, hầu hết hoạt động quảng bá nổi bật như đã thấy ở thị trường mới Ấn Độ, các nước Trung Đông lại xuất phát từ các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không.

Không chỉ dừng ở câu chuyện visa, quảng bá… du lịch Việt còn thiếu sức cạnh tranh bởi các sản phẩm kém đa dạng, dịch vụ đi kèm điểm đến cho phân khúc khách cao cấp hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tuy 2022 khép lại với những con số khiêm tốn, song bước sang năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu đón 102 triệu lượt khách du nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu dự kiến tăng hơn 30% (thấp hơn mức của năm 2019).

CEO của nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu may mắn thì phải tới Hè 2023 thị trường “inbound” (khách quốc tế đến) mới lại có cơ hội khởi sắc… Dẫu vậy, các đơn vị tham gia vào nền kinh tế xanh vẫn đang nỗ lực để có thể sớm chạm tay vào con số 10% GDP như của năm 2019, bất chấp những khó khăn, thách thức chung.

Có thể bạn quan tâm