TN - Đất & Người

Du xuân trên miệng núi lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Núi lửa đã tắt được xem là di sản địa chất. Và không ít người sẽ bất ngờ khi biết mình đang sống giữa một “công viên địa chất” khổng lồ bởi những thắng cảnh tuyệt mỹ như đỉnh Hàm Rồng, “mắt ngọc” Biển Hồ, “bức tranh hoa” Chư Đăng Ya, hồ nước Ia Băng và vô số thung lũng quanh khu vực TP. Pleiku đều là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước.

Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm  2014 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ công nhận 25-30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu. Đề án được thực hiện tại 37 tỉnh, thành phố có di sản địa chất thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam. Theo nhiều tài liệu khoa học, Gia Lai “sở hữu” gần 30 núi lửa lớn, nhỏ, có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa đề án “Công viên địa chất”. Việc nghiên cứu, quảng bá kỳ quan núi lửa kết hợp với du lịch sẽ tạo ra tour mới lạ, “đắt giá” cho du lịch tỉnh ta.

 

 Núi Hàm Rồng tuyệt đẹp trong sương trắng-dấu tích núi lửa đã ngủ yên từ hàng triệu năm. Ảnh: TIếN THÀNH
Núi Hàm Rồng tuyệt đẹp trong sương trắng-dấu tích núi lửa đã ngủ yên từ hàng triệu năm. Ảnh: Tiến Thành

Kỳ quan núi lửa

Mỗi năm du lịch Gia Lai đón khoảng trên hai trăm ngàn lượt khách tham quan. Du khách có thể lãng quên một vài điểm đến sau chuyến đi, nhưng chắc chắn sẽ không thể quên “mắt ngọc” Biển Hồ và đỉnh Hàm Rồng-được xem là điểm cao nhất Pleiku và có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Chỉ riêng hai danh thắng tuyệt đẹp đã giúp định danh Gia Lai trên bản đồ du lịch. Riêng Biển Hồ được xem là viên ngọc bích trên dãy Trường Sơn, lọt top 5 hồ tự nhiên thơ mộng nhất Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng thi ca, nhiếp ảnh, hội họa... Đây đều là những miệng núi lửa, tạo thành thắng cảnh tuyệt mỹ nổi tiếng nhất Tây Nguyên.

Ngoài hai điểm đến hút khách ấy, đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), hồ Ia Băng (huyện Đak Đoa) và một vài thung lũng cũng trở thành điểm đến thường xuyên cho dân du lịch bụi. Chư Đăng Ya được xem là một bức tranh hoa lộng lẫy vào mùa hoa cúc quỳ, là địa chỉ hẹn hò cho những bạn trẻ ưa thích sự lãng mạn, mơ mộng, hùng vĩ. Hồ Ia Băng với mặt nước tĩnh lặng mênh mông trở thành địa điểm câu cá thư giãn, là nơi lý tưởng cho những người muốn tìm sự tĩnh tâm, cân bằng. Đây còn là hồ tự nhiên có trữ lượng than bùn khổng lồ…

Các nhà khoa học đã chứng minh những danh thắng là những núi lửa trẻ tồn tại dưới hai dạng âm (như Biển Hồ, hồ Ia Băng…) và dương (Hàm Rồng, Chư Đăng Ya). Bên cạnh đó còn có một số núi lửa già (đã biến mất trên bản đồ, chỉ còn tên gọi). Còn người bản địa sống quanh khu vực những ngọn núi lửa lại giải thích sự hình thành ấy bằng những truyền thuyết thấm đẫm phong vị văn hóa, mang đậm tính nhân văn, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh của con người nhưng không quên nhắc nhở con người phải thuận theo tự nhiên, gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên để cầu cuộc sống bình an.

Tour “Núi lửa học”

 

Ảnh: Tiến Thành
Ảnh: Tiến Thành

Nhiều chục năm làm du lịch chuyên nghiệp, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty Du lịch Cao Nguyên Việt cho rằng, đã có nhiều công ty du lịch dẫn khách tham quan núi lửa nhưng chỉ dừng lại ở thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa lịch sử, nhưng chưa ai nhắc đến phương diện núi lửa. Ông Hải là người tiên phong khi có ý định mở tour “Núi lửa học” và đã đề xuất với cơ quan quản lý tạo điều kiện để biến ý tưởng thành hiện thực. Ý tưởng của ông Hà Trọng Hải bắt nguồn từ thực tế dẫn khách tham quan tại các quốc gia: “Khi đưa khách du lịch đến các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… tôi rất ấn tượng với sự thành công của các quốc gia này khi họ khai thác núi lửa trong hoạt động du lịch. Bản thân tôi cũng bị kích thích khi tham quan núi Phú Sỹ (Nhật Bản)-ngọn núi lửa đã tắt 300 năm nay nhưng vẫn âm ỉ hoạt động, hay đến đảo Jeju-đảo núi lửa quyến rũ ở đất nước kim chi. Tôi đã về tìm hiểu rất kỹ những núi lửa ở Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, lên ý tưởng cụ thể nếu được phép khai thác tour núi lửa học ở Gia Lai”-ông Hà Trọng Hải cho biết.
 

Ảnh: Tiến Thành
Ảnh: Tiến Thành

Ý tưởng của ông Hải gây chú ý đối với những người làm du lịch lẫn du khách. Thực tế, du khách đang chờ đợi sản phẩm du lịch mới lạ bởi đã quá lâu cứ ăn mãi những món cũ. Tuy nhiên, một số núi lửa dương (nổi trên mặt đất) thường có lợi thế về độ cao đều là những vị trí lý tưởng trong chiến lược quân sự. Ngay đỉnh Hàm Rồng là danh thắng nổi tiếng nhưng do cơ quan quân sự quản lý nên muốn khai thác du lịch sẽ gặp một số khó khăn. Theo nhận định của Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ông Phan Xuân Vũ: “Muốn khai thác tour du lịch núi lửa thành công cần sự kết hợp giữa các nhà khoa học địa chất, ngành văn hóa-du lịch, tài nguyên môi trường. Bởi khi có tài liệu khoa học công bố của các nhà khoa học về lịch sử hình thành, giá trị địa chất… ngành văn hóa-du lịch mới có cơ sở để giới thiệu, quảng bá”.

Hành trình khám phá núi lửa hiện đang là đích ngắm của ngành du lịch, đặc biệt ở Gia Lai tàn tích núi lửa còn khá đậm đặc. Cùng với đề án xây dựng “công viên địa chất” được Chính phủ phê duyệt, những kỳ quan núi lửa sẽ được biết tới nhiều hơn dưới góc nhìn đa chiều, ngoài giá trị là những danh thắng.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm