TN - Đất & Người

Đưa Đắk Nông thành cửa ngõ kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Đắk Nông là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển; đồng thời lưu ý tỉnh về những khó khăn về cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ chưa đồng đều.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 23/3, tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024.

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến đã công bố Quyết định số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác bauxite tại Đắk Nông, tỉnh hiện có khoảng 4,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm 60% trữ lượng bô xít cả nước. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Khai thác bauxite tại Đắk Nông, tỉnh hiện có khoảng 4,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm 60% trữ lượng bô xít cả nước. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Theo đó, Quy hoạch đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khác biệt của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững; khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh, là cửa ngõ kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ; ưu tiên các động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bôxít-alumin-nhôm quốc gia, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.

Với các tiềm năng lớn về đất đai, thổ nhưỡng, Đắk Nông định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về cảnh quan, khí hậu, văn hóa đặc trưng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông và hồ Tà Đùng - nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên Cao nguyên.”

Một góc thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sau 20 năm xây dựng, phát triển. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Một góc thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sau 20 năm xây dựng, phát triển. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Quy hoạch cũng định hướng đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển vùng Tây Nguyên với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng-an ninh; xây dựng tỉnh thành trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Đắk Nông là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để phát triển; đồng thời lưu ý tỉnh về những khó khăn liên quan đến những diễn biến bất thường của thời tiết dưới tác động của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thực trạng hộ nghèo còn cao; trình độ cán bộ chưa đồng đều, nhất là cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Đắk Nông trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh phải quán triệt 4 nguyên tắc “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu.”

Tập thể lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương phải đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và làm tốt công tác “nêu gương”.

Địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới đồng bào dân tộc thiểu số trên cả ba phương diện: phát triển sinh kế bền vững, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Đắk Nông phải chọn lọc trong đầu tư công, trong bối cảnh tổng vốn đầu tư không nhiều; tập trung hơn cho công tác giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sử dụng đất.

Phó Thủ tướng ủng hộ chủ trương của tỉnh cho các dự án khai thác bôxít theo hướng tuần hoàn và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch…

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao 4 chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư (với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng) và 4 dự án ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỷ USD (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao 4 chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư (với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng) và 4 dự án ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỷ USD (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã trao 4 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 4 Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.

Đây là những dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế và bất động sản.

Có thể bạn quan tâm