Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17-1-2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và kế hoạch chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-nhận định: “Chuyển đổi số hoạt động ngân hàng đang được thực hiện trong công tác huy động vốn, cung ứng sản phẩm dịch vụ và sẽ tiến tới giao dịch cho vay vốn trên môi trường số trong tương lai gần. Tại Gia Lai, song song với việc phát triển và mở rộng mạng lưới hoạt động ở địa bàn nông thôn, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và nền kinh tế ngày một tốt hơn”.
Dẫn đầu trong xu thế thanh toán trên nền tảng số hiện nay là phương thức thanh toán quét mã VietQR. Đây là tính năng trên ứng dụng ngân hàng số giúp cho các giao dịch chuyển tiền, thanh toán của khách hàng trở nên nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện. Với ưu điểm vượt trội này, thanh toán quét mã VietQR đang trở nên phổ biến ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang quét mã của người dân.
Tại huyện Kông Chro, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số được ứng dụng trong trường mẫu giáo. Ảnh: Sơn Ca |
Anh Dương Long Vũ-Chủ cửa hàng vi tính Vũ Dương (thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Với đặc thù ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đa số khách hàng của chúng tôi là học sinh, công chức, nhân viên văn phòng nên rất thích sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng hoặc quét mã VietQR. Kể từ khi sử dụng phương thức thanh toán trên nền tảng số, số lượng giao dịch tiền mặt tại cửa hàng giảm đi đáng kể”.
Tương tự, ông Trần Huỳnh Trọng-Chủ cơ sở Mầm non Tuổi Thơ (thị trấn Kông Chro) cho biết: “Hiện nay đã có 130/149 phụ huynh có con em học tại trường sử dụng phương thức thanh toán qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, quét mã VietQR, số ít phụ huynh còn lại thanh toán bằng tiền mặt. Thông qua các hình thức thanh toán này, việc quản lý giao dịch thu chi thuận tiện hơn, chính xác hơn cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của phụ huynh và nhà trường”.
Khách hàng Kbang trải nghiệm giao dịch nộp tiền mặt vào tài khoản trên máy CDM. Ảnh: Sơn Ca |
Đánh giá về hiệu quả phát triển sản phẩm dịch vụ tại địa bàn hoạt động, ông Hoàng Văn Lực-Giám đốc Agribank-Chi nhánh Kông Chro Đông Gia Lai-cho biết: “Tại địa bàn Kông Chro, tỷ lệ chi lương qua tài khoản ngân hàng của các cơ quan, đơn vị đạt gần 100%, trên 7.000 tài khoản thanh toán, 9.337 thẻ ATM đang hoạt động, gần 6.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, 8 đơn vị chấp nhận thanh toán qua POS, 150 đơn vị chấp nhận thanh toán qua VietQR... Điều này cho thấy, việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và được khách hàng tin tưởng, ủng hộ”.
Tại huyện Kbang, việc “phủ sóng” các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Ông Đỗ Thanh Bình-Giám đốc Agribank-Chi nhánh Kbang Đông Gia Lai-thông tin: “Tại trung tâm huyện Kbang, chúng tôi có 3 máy ATM, CDM đang vận hành hiệu quả, trung bình 1 tháng có hơn 46 ngàn giao dịch, mỗi ngày có hơn 110 giao dịch. Việc phát triển các dịch vụ thanh toán qua thẻ đạt hiệu quả với 18.615 thẻ ATM đang hoạt động. Chúng tôi vừa chính thức đưa vào hoạt động máy CDM giúp khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ giao dịch với ngân hàng thông qua hệ thống tự động mà không cần đến sự hỗ trợ của giao dịch viên”.