Du lịch

Đưa du lịch ẩm thực thành một loại hình du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 31-3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam”.

Du lịch ẩm thực cần trở thành một loại hình du lịch

Tại Hội thảo, ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho hay Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo và có ý kiến cho rằng, cùng với Trung Hoa và Pháp, ẩm thực Việt Nam là 1 trong 3 nền ẩm thực được ưa chuộng trên thế giới.

 

Quang cảnh Hội thảo.

Trong suốt một thời gian dài vừa qua, các nghiên cứu về ẩm thực và thực hành ẩm thực luôn gắn với phát triển du lịch ở nước ta.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch ẩm thực Việt Nam kém phát triển so với nhiều nước trên thế giới, kể từ chiến lược đến hành động và hiệu quả. Ông Tình cho rằng, để đẩy mạnh du lịch ẩm thực, nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, của hệ thống nhà hàng và hiệp hội là chưa đủ.

Nêu một số gợi ý phát triển du lịch ẩm thực ở Việt Nam thời gian tới, theo ông Tình, cần điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, 2025 và tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược kế tiếp. Theo đó, cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta.

Phát triển du lịch ẩm thực liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bởi vậy, ngoài Bộ VHTT&DL, cần có sự tham gia trực tiếp của Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và chính quyền các cấp.

Ngoài ba trung tâm ẩm thực lớn là Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cần chú trọng giá trị của ẩm thực vùng kết hợp với ẩm thực tộc người và tôn giáo để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực cho thích hợp.

Để khai thác và phát triển du lịch ẩm thực, không chỉ khuôn bó trong vấn đề món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ mà cần lưu ý cả nguồn gốc ẩm thực, việc sản xuất ẩm thực; các khía cạnh về lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan đến ẩm thực.

Cần tập trung nâng cao thương hiệu ẩm thực Việt Nam qua việc xác định, đầu tư cho những món ăn, đồ uống có giá trị, nổi tiếng, có giá trị.

Cần thiết nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông. Cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện-trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam.

Ẩm thực trong phát triển du lịch

Theo báo cáo của dự án xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt, ẩm thực Việt Nam hấp dẫn khách du lịch, cả khách quốc tế và khách nội địa. Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được thừa nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở vào năm 2000 tại TPHCM hoặc Tổng thống Barack Obama đã đến ăn bún chả ở Hà Nội vào năm 2016 đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn.

Giáo sư Philip Kotler - chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới đã gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam “Hãy đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập, các quốc gia tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng đứng trước nguy cơ mất đi các giá trị truyền thống, các gốc tạo ra sự khác biệt và độc đáo của mỗi dân tộc, Trong lĩnh vực ẩm thực, điều đó rất rõ. Người Việt Nam đang ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, nhiều món ăn Việt đang có nguy cơ biến mất hoặc biến dạng, đặc biệt các món truyền thống và món ăn đồng bào thiểu số. Do vậy, đầu tư để bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống đang trở nên một nhu cầu quan trọng của đất nước nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.

Nhật Nam/chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm