Thời sự - Bình luận

Đưa giá thuốc về "giá đúng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá thuốc trên thị trường là một thế giới đầy “bí ẩn”; nhiều công ty mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian để đẩy giá thuốc lên cao là nhằm hưởng chênh lệch...
 

 Giá thật của thuốc hiện nay người tiêu dùng không thể biết - ẢNH: DUY TÍNH
Giá thật của thuốc hiện nay người tiêu dùng không thể biết - ẢNH: DUY TÍNH


Báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM cho thấy hiện nay trên địa bàn có 1.099 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân về dược phẩm; 10 doanh nghiệp cổ phần hóa; 1 doanh nghiệp nhà nước; 128 chi nhánh của các công ty, doanh nghiệp dược. Ngoài ra, còn có 6.672 nhà thuốc, trong đó nhà thuốc tư nhân là 5.612 cơ sở... Với một lượng lớn công ty buôn bán thuốc sỉ, hàng ngàn nhà thuốc bán lẻ nhưng giá thì… mỗi nơi một kiểu. Giá thuốc trên thị trường là một thế giới đầy “bí ẩn”; nhiều công ty mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian để đẩy giá thuốc lên cao là nhằm hưởng chênh lệch; thậm chí, có những công ty lập ra nhiều công ty con để sang tay thuốc, để tăng giá bán… là hiện trạng đang xảy ra.

Để khống chế giá thuốc, ngành y tế quy định bệnh viện mua bao nhiêu thì sang nhượng lại cho người bệnh nội trú bấy nhiêu. Còn với thuốc ngoại trú bán ở nhà thuốc trong bệnh viện, quy định cho lời tối đa 15% với thuốc có giá trị mua nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng/đơn vị; 10% với thuốc có giá trị mua trên 1.000 - 5.000 đồng; 7% với thuốc có giá trị mua trên 5.000 - 100.000 đồng; 5% với thuốc giá trị mua trên 100.000 - dưới 1 triệu đồng; 2% với thuốc có giá mua từ 1 triệu đồng. Trước đây, với thuốc đấu thầu vào bệnh viện giá cũng không thống nhất dù cùng tên thương mại, nên cơ quan chức năng mới đặt ra ngưỡng chênh lệch giữa các đơn vị trúng thầu không quá 5%. Còn thuốc mua bán tự do ngoài thị trường thì giá trị viên thuốc không ai có thể biết được, bởi doanh nghiệp được tự đặt ra giá, niêm yết giá và bán.

Hơn 10 năm trước và đến tận bây giờ, nhiều chuyên gia trong ngành dược đã có ý kiến đề xuất rằng, Bộ Y tế cần có bộ phận theo dõi giá thuốc xuất xưởng tại các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới. Vì thuốc là mặt hàng thiết yếu, người bệnh dù có bán nhà cửa cũng phải mua thuốc uống. Thuốc cũng là mặt hàng mà người dân mua không được phép trả giá. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp đưa giá thuốc về giá trị thật và thống nhất.

 

Theo Duy Tính (TNO)

Có thể bạn quan tâm