Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Dựa vào cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, ngành Văn hóa Gia Lai đã kiểm kê 456 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh có 3 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 23 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực này được vinh danh qua 2 đợt xét tặng danh hiệu. 
Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý-Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam-nhấn mạnh: Cần dựa vào cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ gốc rễ.
Kiểm kê để bảo vệ khẩn cấp
3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Bahnar (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý-Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam-cho biết: Từ năm 1998, bà đã đến Gia Lai điền dã, nghiên cứu, theo dõi quá trình xây dựng Bảo tàng tỉnh, tham gia lập hồ sơ khoa học cho di sản văn hóa cồng chiêng cùng nhiều hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Bà rất ấn tượng trước di sản văn hóa đồ sộ, phong phú của một “Gia Lai-vùng đất huyền ảo”.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, 456 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đã được ngành Văn hóa kiểm kê là kết quả rất đáng ghi nhận cho những nỗ lực bảo vệ di sản của tỉnh. Song, theo Tiến sĩ Lý: “Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang hiểu lầm rằng, kiểm kê là lựa chọn hồ sơ di sản và đề xuất đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vì thế dẫn đến câu chuyện chạy theo danh hiệu. Nhiều tỉnh làm theo kiểu thống kê và chạy theo số lượng hồ sơ kiểm kê, khi đạt được danh mục di sản quốc gia thì rất phấn khởi. Nhưng đó chỉ là một trong những biện pháp để bảo vệ. Di sản còn hay mất là dựa vào cộng đồng. Do đó, cần phải hiểu bản chất của việc kiểm kê là nhận diện những di sản nào cần bảo vệ khẩn cấp, di sản nào cần hỗ trợ ngay cộng đồng để họ khai thác di sản gắn với phát triển kinh tế, có những biện pháp giúp họ phát triển bền vững”.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu
Từ đó, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề xuất, Gia Lai muốn bảo vệ và phát triển bền vững các di sản văn hóa phi vật thể thì cần quan tâm hỗ trợ cộng đồng, dựa vào cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ gốc rễ. “Kiểm kê có rất nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hỗ trợ cộng đồng tạo ra những sản phẩm văn hóa. Đặc biệt là để cộng đồng hiểu về chính di sản của mình, mình là ai và trân trọng cái gì của chính mình. Do đó, tỉnh cần cập nhật, kiểm kê để thực hiện mục tiêu kép là vừa bảo vệ di sản, vừa hỗ trợ cộng đồng tạo ra sản phẩm văn hóa để phát triển đời sống tinh thần và vật chất”-Tiến sĩ Lý khuyến nghị.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng: “Di sản văn hóa phi vật thể rất mong manh vì nó là con người, nếu sai không nhìn thấy, nhưng hậu quả lại rất ghê gớm. Nó không như di tích, chúng ta có thể sửa chữa, nhưng di sản văn hóa phi vật thể rất khó sửa chữa. Do đó, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cần có chính sách, chiến lược rõ ràng. Kiểm kê là để xây dựng chính sách, đưa ra chính sách, trong đó có chính sách bảo vệ khẩn cấp, chính sách đối với các nghệ nhân. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến các nghệ nhân như những người cao tuổi chứ chưa nhìn họ như những “báu vật nhân văn sống”.
Di sản phải do người dân bảo vệ
Đối với việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, nhất là đối với các dân tộc thiểu số, có mấy vấn đề Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý khuyến nghị thêm: “Ở đây chính là bình đẳng văn hóa. Cần tạo cơ hội để cộng đồng nhận ra văn hóa của chính mình để góp phần bảo vệ, giúp họ nhận thức đầy đủ để tự tin giao tiếp trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong phát triển du lịch. Hiện nay, cộng đồng dân tộc thiểu số gặp khó ở chỗ, họ là chủ nhân của di sản, hiểu về văn hóa cha ông nhưng khi giao tiếp lại rất khó khăn để trình bày những thứ họ hiểu. Tôi đã làm một số nghiên cứu ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), quan sát và thấy rằng rất khó khăn để cộng đồng nói ra chính xác cái họ hiểu về văn hóa của mình để công chúng hiểu và chia sẻ. Đặc biệt, có một vấn đề mà hiện nay quốc tế đang rất quan tâm và kiến nghị, đó là chúng ta đừng biến các cộng đồng thành sản phẩm du lịch như trong 1 công viên, mà hãy để họ trong không gian văn hóa của họ, hãy để họ làm du lịch bằng chính cách họ cảm thấy thích hợp nhất. Nhiều điểm du lịch ở Hà Giang đã thành công trong câu chuyện khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch như vậy”.
Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du khách, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: Minh Châu
Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du khách, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: Minh Châu
Gia Lai có di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, trong đó có những di sản đầy tiềm năng để phát triển kinh tế như sản phẩm làng du lịch cộng đồng, nhưng bên cạnh đó cũng có những di sản cần sự “bảo hộ” hoàn toàn nếu không sẽ biến mất như sử thi. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, quá trình kiểm kê nếu phân tách rạch ròi, địa phương sẽ dễ đưa ra chính sách để bảo vệ. Đặc biệt, đối với các di sản có tiềm năng khai thác du lịch, giúp người dân phát triển kinh tế, họ sẽ thấy được nguồn lợi từ di sản và tự nguyện tham gia gìn giữ, bảo vệ, tạo một vòng tròn vận động, chi phối sự tồn tại của di sản.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm