Điểm đến Gia Lai

Đức Cơ: Bộ đội tiên phong trồng rau thủy canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đại đội Bộ binh 1 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ) là đơn vị quân đội đầu tiên triển khai mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới trên địa bàn Quân khu 5. Nhờ mô hình này, cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị được cung cấp đủ rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Đại úy Lê Quang Ngọc hướng dẫn các chiến sĩ về kỹ thuật trồng rau thủy canh. Ảnh: Ngọc Sang
Đại úy Lê Quang Ngọc hướng dẫn các chiến sĩ về kỹ thuật trồng rau thủy canh. Ảnh: Ngọc Sang
Đại úy Lê Quang Ngọc-Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ) cho biết: Những năm qua, đơn vị đã có nhiều giải pháp đột phá về công tác tăng gia sản xuất nhằm bảo đảm đủ rau xanh, thịt gia súc, gia cầm cho bữa ăn bộ đội. Đặc biệt, năm 2019, đơn vị đã thực hiện dự án trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại Đại đội Bộ binh 1. Đây là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới đầu tiên trên địa bàn Quân khu 5, đáp ứng 100% nhu cầu rau xanh cho đơn vị sử dụng, tiết kiệm công sức của bộ đội trong sản xuất. 
Tháng 4-2019, được UBND huyện Đức Cơ hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã triển khai xây dựng 412 m2 nhà lưới khung thép, có mái che PE trong suốt. Xung quanh nhà lưới được che chắn bởi một lớp lưới để chắn gió và ngăn côn trùng xâm nhập phá hoại. Vườn rau được trang bị các khay nhựa, ống nhựa, bồn chứa nước, mô tơ điện, bộ hẹn giờ điện tử... Hệ thống bơm tuần hoàn được cài đặt chế độ tự động hoàn toàn về thời gian và lưu lượng, tùy thuộc vào từng loại rau trồng và thời kỳ sinh trưởng của rau.
Theo Đại úy Ngọc, trồng rau theo phương pháp thủy canh tuy không quá phức tạp nhưng phải tuân thủ quy trình chặt chẽ và chỉ sử dụng dung dịch được pha chế sẵn, có bán ngoài thị trường. Vì vậy, để bảo đảm kỹ thuật, thời gian đầu, lãnh đạo đơn vị đã thành lập Ban quản lý dự án gồm 7 thành viên để đào tạo kỹ thuật trồng rau thủy canh. Trước khi trồng, hạt giống được lựa chọn, xử lý, đưa vào khay nhựa đã lót giá thể (xơ dừa, rơm, mút xốp...). Khi hạt nảy mầm và phát triển được 4 lá thì đưa lên hệ thống giàn ươm để nuôi rễ. Sau khoảng 20 ngày để trên giàn ươm, cây được chuyển lên giàn chính có hệ thống ống dẫn dung dịch thủy canh đã pha chế sẵn theo tỷ lệ nhất định. Do hệ thống thủy canh hoạt động hoàn toàn tự động theo phương pháp hồi lưu, chu trình khép kín nên ngoài việc kiểm tra, bổ sung dung dịch theo định kỳ, bộ đội không phải mất thời gian chăm sóc, tưới nước...
 Đại úy Lê Quang Ngọc hướng dẫn các chiến sĩ kỹ thuật trồng rau thủy canh. Ảnh: N.S
 Các chiến sĩ Đại đội Bộ binh 1 thu hoạch rau. Ảnh: N.S
Hơn 5 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng rau thủy canh, đến nay, Đại đội Bộ binh 1 đã thu hoạch được 1.560 kg rau các loại, đáp ứng đủ 100% nhu cầu rau xanh trong bữa ăn của bộ đội. Từ nguồn tăng gia sản xuất, đơn vị đã đưa thêm vào bữa ăn tại bếp 3.000 đồng/người/ngày. Nhờ đó, bữa ăn vừa đảm bảo định lượng tiêu chuẩn, vừa tươi ngon, sạch, nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Ngoài ra, đơn vị còn tạo thêm quỹ cho đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ, Tết. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị rất phấn khởi vì những thành tích đạt được.
Thượng úy Phan Long Vũ-Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh 1-cho hay: So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau thủy canh cho năng suất cao hơn 20-50%, rút ngắn thời gian canh tác 13-18 ngày/lứa (tùy loại rau); giảm công chăm sóc, rau ít bị sâu bệnh nên gần như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình trồng rau thủy canh chiếm ít diện tích, tiết kiệm nước và phân bón nhưng lại cho sản phẩm rau sạch. Đặc biệt, đơn vị có thể chủ động trồng được tất cả các loại rau xanh suốt 4 mùa trong năm, đảm bảo đủ rau sạch cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Do đó, tỷ lệ quân số khỏe toàn huyện đạt 99,4%.
Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới của Ban Chỉ huy Quân sự huyện được xem là điểm nhấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để mang lại quả kinh tế cao. Mô hình này phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và là hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững. Thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn để giúp các hộ dân triển khai nhân rộng mô hình, hình thành thói quen mới trong việc sản xuất rau sạch trên địa bàn. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm