(GLO)- Tháng 8 năm ấy, Tây Nguyên đang giữa mùa mưa. Biên giới suốt ngày vần vũ những đám mây mọng nước lê thê trên vòm trời thấp. Mươi phút lại những cơn mưa ào ạt đổ. Lóp ngóp trong làn nước lạnh tê tái suốt cả tiếng đồng hồ, tôi mới tìm thấy “bản doanh” của Ban Cán sự thành lập huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Đó là một căn nhà tranh, nguyên là nhà ở tập thể của Công ty 74 nhượng lại. Nghe không khí của cuộc họp đang có vẻ căng, tôi chần chừ một thoáng rồi quyết định lui. Cái tư liệu mà tôi đang cần xem ra hơi lạc lõng trước một núi công việc bộn bề của một huyện mới sẽ ra mắt trong nay mai.
Năm 1985, tôi là cán bộ tăng cường cho xã Ia Lang thuộc huyện Chư Prông. Đến thời điểm chia tách huyện Chư Prông và lấy một phần huyện Chư Păh cũ để thành lập huyện Đức Cơ năm 1991 ấy đã là 6 năm nhưng xem ra cuộc sống người dân chưa sáng lên được bao nhiêu. Cái đói vẫn còn ngự trị trong rất nhiều thôn, làng nhưng đáng sợ hơn là căn bệnh sốt rét. Có thể nói vùng đất Đức Cơ bấy giờ là “lãnh địa” của sốt rét. Những năm đó, do điều kiện ăn ở, nhận thức của người dân còn hạn chế nên sốt rét hoành hành dữ dội. Xuống làng nào, tôi cũng bắt gặp những thân hình co quắp, run lẩy bẩy bên bếp lửa. Có gia đình cả nhà cùng sốt, không còn ai đủ sức lên rẫy. Không thể trông cậy vào trạm y tế xã, bà con nhiều nơi phải đổi lúa, heo gà cho những người buôn thuốc Tây lậu với giá cắt cổ.
Đói rét, “cặp bài trùng” này quả thật là một sự “đầu nan” trong muôn vạn sự “khởi đầu nan” của một huyện mới. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND huyện Phạm Đình Thu phải về “cầu cứu” Sở Y tế. Sở cử một đội y-bác sĩ tỏa xuống các xã nhưng không đối phó xuể. Thấy vậy, ông Thu lại đích thân xuống Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn nhờ giúp đỡ. Viện sốt sắng cử một đoàn 50 y-bác sĩ lên giúp. Họ miệt mài làm việc tới 4-5 tháng trời, căn bệnh sốt rét quái ác mới bị đẩy lui.
Thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Bắt tay vào việc phát triển sản xuất, vấn đề khó khăn nhất lúc này là vận động đồng bào dân tộc làm lúa nước. Đức Cơ không có điều kiện để phát triển những cánh đồng lúa nước lớn nhưng nếu biết khai thác các bãi bồi ven sông suối thì cũng tạo được một lượng lương thực đáng kể, giảm bớt nạn phá rừng. Vấn đề khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ làm lúa nước nên rất e ngại. Thực ra bấy giờ chẳng riêng gì Đức Cơ, ở đâu việc vận động đồng bào bản địa làm lúa nước cũng là một “cuộc cách mạng”. Công việc khó khăn này, huyện quyết định nhờ Quân đội giúp đỡ. Thật lắm trầy trật, phải “cầm tay chỉ việc” mà đôi khi việc vẫn không xong. Bây giờ nhắc lại, nhiều chuyện tôi còn thấy buồn cười… Ở làng Xơ (xã Ia Nan) có cánh đồng 5 ha lúa nước. Huyện nhờ bộ đội hỗ trợ khai hoang, hướng dẫn cách làm cho đồng bào rồi lại còn phải nhờ… trông coi trâu bò giúp. Thế nhưng, vẫn thấy chưa yên tâm, lại phải cử 2 cán bộ xuống theo dõi, đốc thúc. Ấy thế mà chỉ lơi lỏng có mấy bữa, bà con đã để trâu bò vào phá nát. Năm sau, tiếp tục vận động bà con sản xuất thì được trả lời: Làm thì được rồi, nhưng biết ai trông coi trâu bò cho đây? Một việc thật bình thường mà bấy giờ với huyện cũng khó khăn đến thế!
Song song với việc vận động bà con đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, xóa bỏ nếp nghĩ lạc hậu, 2 vấn đề nóng huyện phải tập trung giải quyết là nạn lâm tặc và buôn lậu. Với đặc điểm địa bàn của huyện nguyên là các xã ở xa trung tâm 2 huyện Chư Prông, Chư Păh (cũ), việc quản lý hạn chế đã khiến nạn lâm tặc hoành hành, nay nghe thông tin thành lập huyện mới, biết cơ hội làm ăn sẽ khó, chúng càng dồn sức phá rừng. Trên quốc lộ 19, hàng đêm chẳng khó để bắt gặp những chiếc xe độ, xe tải chất đầy gỗ phóng bạt mạng. Trước tình hình đó, huyện tập trung lực lượng, mở các đợt truy quét quyết liệt. Chỉ với các đợt truy quét đầu tiên đã thu hồi được tới 600 m3 gỗ. Với những biện pháp mạnh, lâm tặc co lại nhưng vẫn tìm mọi kẽ hở để phá rừng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp trấn áp quyết liệt không ngưng nghỉ, chỉ một thời gian không dài, huyện đã đẩy được lâm tặc ra khỏi địa bàn. Núi rừng Đức Cơ trở lại yên tĩnh.
Khó khăn không kém việc truy quét lâm tặc là chống buôn lậu. Hàng lậu bấy giờ chủ yếu là thuốc lá Jet. Đức Cơ bấy giờ được coi là “thủ phủ thuốc Jet”. Thuốc Jet từ Đức Cơ mang về bán tràn ngập Pleiku. Đức cơ còn là đầu mối cung cấp thuốc Jet cho cả các các tỉnh Trung Trung Bộ. Trước món lợi lớn, đối tượng buôn lậu lộng hành sẵn sàng hành hung cả lực lượng chức năng nếu bị cản trở. Trước tình hình đó, huyện phải xin chủ trương huy động lực lượng Quân đội tham gia chống buôn lậu. Phương châm hành động là phải truy bắt quyết liệt, không ngơi tay; trấn áp thẳng tay các đối tượng đầu nậu. Với sự quyết liệt đó, chỉ một thời gian ngắn, các đường dây buôn lậu lớn đều bị chặt đứt. Một lần đi viết bài về công tác chống buôn lậu thuốc lá của huyện, được mở cửa kho để chụp ảnh, tôi đã kinh ngạc với lượng thuốc lá Jet thu được. Nó nhiều đền mức chất gần chạm nóc một gian nhà chừng 30 m2.
Huyện Đức Cơ giờ cũng đã hơn 30 tuổi. Chuyển mình từ những ngày thành lập với bao khó khăn bộn bề; tạo lập từ con số “không”, thị trấn Chư Ty giờ đã là một phố huyện mang dáng dấp của đô thị hiện đại đầy sức sống. Một chút giả tưởng rằng nếu không thành lập huyện mới, Đức Cơ đang đứng ở tầng nấc nào của sự phát triển, hẳn rằng cũng sẽ khó hình dung.
NGỌC TẤN