(GLO)- Cuối mùa khô Tây Nguyên, hai bên đường 19 về ngả biên giới Đức Cơ cây cao su đã bắt đầu bung lộc biếc. Trong cái nắng vàng hanh khô, những vườn điều lúc lỉu quả chín vàng tỏa mùi hương thoang thoảng, dịu dàng, chúng như đang nô đùa, cười nắc nẻ, vui với niềm vui được mùa. Con đường trên 50 cây số từ núi Hàm Rồng về thị trấn Chư Ty như phẳng phiu, rộng mở hơn, nhà nối nhà san sát với muôn màu muôn vẻ khá khang trang, thi thoảng chen vào đôi ba căn biệt thự trông bề thế, chứng tỏ sự phồn thịnh đang dần trở thành hiện thực trên mảnh đất miền biên viễn này.
Chúng tôi ngồi uống nước, ngắm thị trấn Chư Ty từ phía sau trong khu thể thao Long Thu bên hồ nước nhân tạo khá rộng, thoáng mát. Đây là khu thể thao liên hợp theo hình thức xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, có sân tennis, sân bóng đá mini đã hoàn thành đưa vào sử dụng và sẽ xây dựng hồ bơi trong tương lai. Tôi nhìn trên bảng lịch đăng ký thi đấu, tập luyện đã được xếp kín từ 5 giờ đến 17 giờ. Từ những sân chơi bổ ích này sẽ thu hút nhiều đối tượng, các lớp thanh-thiếu niên của thị trấn tham gia, giúp các em tăng cường thể lực, vui chơi lành mạnh tránh bớt được những tệ nạn xã hội.
Có thêm nhiều công trình văn hóa-thể thao trong thị trấn vốn heo hút này sẽ từng bước làm cho bộ mặt đô thị ở cửa ngõ biên giới ngày càng khởi sắc. Anh Võ Thanh Hùng-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Tình hình biên giới nhiều năm qua tương đối ổn định, tiềm năng đất đai được khơi dậy, sự đầu tư cho sản xuất tăng dần, đời sống nhân dân trong huyện từng bước được nâng cao; đã có nhiều hộ, nhiều doanh nghiệp khá lên và giàu có. Nếu những vụ mùa liên tiếp gặt hái thành công, hàng nông sản được giá thì không mấy chốc người dân sẽ đổi đời.
Cách đây gần 23 năm, khi Đức Cơ mới thành lập, những khó khăn của một huyện biên giới luôn luôn đè nặng lên vai người lãnh đạo, nhất là tình hình an ninh chính trị khá phức tạp, tình trạng vượt biên, buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp. Để giữ được yên lòng dân, điều quan trọng là đẩy mạnh sản xuất, định canh định cư, chống đói nghèo lạc hậu. Các phong trào lập làng định canh, làm lúa nước, trồng cây cao su, cà phê… có sức lan tỏa rộng rãi.
Các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn làm một đòn xeo tích cực cùng với sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương tạo ra một khí thế mới, một phong cách làm ăn mới dần dần thay đổi những tập tục lạc hậu trong cộng đồng người bản địa, đưa họ tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến hơn, đem lại hiệu quả rõ ràng và đời sống ngày càng được cải thiện. Nhiều buôn làng từ đói nghèo đã định canh định cư vươn lên sản xuất giỏi, thanh niên được tuyển vào đội ngũ công nhân các đơn vị cao su đứng chân trên địa bàn, đa số gia đình có vườn cao su tiểu điền, vườn cà phê do các nông trường giúp đỡ về kỹ thuật trên cơ sở kết nghĩa từ hộ gia đình đến đội sản xuất nhằm chuyển giao cách làm ăn mới để đồng bào tại chỗ biết phát huy thế mạnh của mình khai thác mọi tiềm năng sẵn có, làm chủ cuộc sống của họ. Đó là một trong những cách tốt nhất để họ an tâm bám trụ trên chính quê hương mình.
Từ đây, Đức Cơ đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân, tập thể làm ăn giỏi, nhiều công nhân là người Jrai vốn đầu trần chân đất nay trở thành lớp công nhân sản xuất giỏi. Điển hình trong số ấy, có ông Rmah Klum, người Jrai ở Tây Nguyên đầu tiên được phong Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Sau ông Klum còn có rất nhiều người Jrai khác nơi đây đã làm giàu bằng chính công sức mình bỏ ra mà cha ông họ chưa bao giờ được tận hưởng dù có lao động cật lực.
Nhiều người trước đây đã từng đến Đức Cơ để làm ăn nhưng trước những khó khăn, thách thức nghiệt ngã họ ngã tay chèo, đi lập nghiệp nơi khác, nay trở lại thăm vùng đất cũ, điều làm họ ngạc nhiên là những vùng đất “chết” giờ đây được thay bằng một màu xanh ngút ngàn của cao su, cà phê, tiêu, điều… Tàn tích của chiến tranh với những đồn bốt và bom đạn còn lại; những căn bệnh sốt rét rừng rình rập cộng với đói cơm lạt muối… đã nhường bước cho sự no ấm, thịnh vượng đang bắt đầu khởi sắc.
Tiềm năng của huyện biên giới Đức Cơ đang còn nhiều, đặc biệt nơi đây có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và một khu kinh tế cửa khẩu đang chờ đón sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng chục dự án trong khu kinh tế này đã và đang khởi công hoặc đã đi vào hoạt động là nền tảng bước đầu để kích thích sự phát triển của vùng kinh tế cửa khẩu. Bên kia biên giới, vùng đất Rattanakiri của Vương quốc Campuchia giáp ranh với Đức Cơ là nơi đang có nhiều triển vọng trở thành vùng chuyên canh nông nghiệp lớn. Điều đó sẽ là một thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi và thiết lập những nhà máy chế biến nông sản với quy mô lớn và vừa trên chính mảnh đất tiền tiêu này. Khi công nghiệp đã có đất nảy mầm thì yêu cầu quy mô đô thị của Đức Cơ sẽ được mở rộng và hiện đại hơn. Tất nhiên, việc phát triển kinh tế của vùng biên giới bao giờ cũng mang tính đặc thù vì nó luôn gắn với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ biên cương quốc gia.
So với các huyện biên giới của Bắc Tây Nguyên thì Đức Cơ là địa phương có sự phát triển nhanh hơn nhờ có những thuận lợi cơ bản. Đáng chú ý là cấp ủy và chính quyền địa phương có nhiều phương án linh hoạt, sáng tạo; biết phát huy được sức mạnh tổng hợp, vừa kết hợp kinh tế với quốc phòng, vừa giữ vững an ninh biên giới đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân; lấy ổn định để phát triển và phát triển để ổn định.
Rời Đức Cơ trong buổi chiều lặng gió. Tôi nghe có tiếng sấm đì đùng từ phía Hàm Rồng với những đám mây vần vũ chuyển dần về hướng Tây. Như vậy có lẽ là mùa mưa Tây Nguyên đang đến gần, mùa vui của cỏ cây nơi phía rừng biên giới đang chào đón. Rừng cây cao su đang thời thay lá mới hứa hẹn một mùa bội thu.
Bùi Quang Vinh