Kinh tế

Doanh nghiệp

Đức Long Gia Lai và sản phẩm linh kiện điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sản xuất linh kiện điện tử là lĩnh vực đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Vậy, đâu là yếu tố mang đến thành công của lĩnh vực này?

Chiến lược vươn ra biển lớn

Là doanh nghiệp “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, Đức Long Gia Lai khiến không ít doanh nghiệp (DN) ngỡ ngàng với kết quả thu được. Lựa chọn hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để thâm nhập vào thị trường linh kiện điện tử, Đức Long Gia Lai không sử dụng tiền mặt, chỉ hoán đổi gần 20 triệu cổ phiếu để sở hữu Công ty Mass Noble (Mỹ)-doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử với hơn 20 năm kinh nghiệm trên thị trường.

 

Sản xuất linh kiện điện tử là lĩnh vực đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai. Ảnh: M.T
Sản xuất linh kiện điện tử là lĩnh vực đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai. Ảnh: M.T

Tiếp đó, thông qua Mass Noble, Đức Long Gia Lai tiếp tục thâu tóm Công ty sản xuất linh kiện điện tử Hanbit (Hàn Quốc), sau đó đổi tên thành DLG-Hanbit Co.Ltd. Đây là công ty có kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động và hệ thống khách hàng là những “ông lớn” trong ngành điện tử như: Hyundai, LG… Chỉ tính riêng về mặt doanh thu, lợi nhuận, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đã tạo sức bật mạnh mẽ cho Đức Long Gia Lai. Ngay sau khi hợp nhất doanh thu với các công ty linh kiện điện tử, doanh thu 6 tháng cuối năm 2015 của Đức Long Gia Lai tăng trên 33% so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đạt trên 432 tỷ đồng, chiếm 46% tổng cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai. Đến năm 2016, sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục tăng trưởng, đạt 1.106 tỷ đồng, chiếm trên 44% trong tổng cơ cấu 2.490 tỷ đồng doanh thu của Đức Long Gia Lai, giúp doanh thu tăng trên 50% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu lĩnh vực này mang về 490 tỷ đồng, tiếp tục đóng góp gần 40% trong tổng cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai.

Thay vì chật vật cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng từ các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, Đức Long Gia Lai hiển nhiên trở thành đối tác của hàng loạt “ông lớn” có tên tuổi tại thị trường Mỹ (Canon, Azad international, Whirlpool, Honeywell), Hàn Quốc (Sam Sung, LG, Hyundai), Nhật Bản (Sony, Panasonic). Ngoài ra, Đức Long Gia Lai cũng tận dụng được toàn bộ hệ thống quản trị tiêu chuẩn quốc tế, tạo tiền đề để nâng cao năng lực quản trị ở các công ty trong và ngoài nước.

Hiện nay, Đức Long Gia Lai đã trở thành cái tên không còn xa lạ gì trên thị trường sản xuất linh kiện điện tử trong và ngoài nước. Trong chuyến thăm chính thức 2 nước Trung Quốc và Hồng Kông giữa tháng 9-2016, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động sản xuất linh kiện điện tử của Đức Long Gia Lai khi hàng năm mang về cho DN hàng trăm triệu USD.

Hướng đến thị trường trong nước

Không dừng lại ở hoạt động đầu tư nước ngoài, Đức Long Gia Lai đang đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ngay tại Khu Công nghệ cao thuộc quận 9 (TP. Hồ Chí Minh). Hiện tại, nhà máy đang hoàn thiện các khâu cuối cùng tiến đến sản xuất sản phẩm phục vụ các đơn hàng đã được ký.

Có thể nói, lĩnh vực điện tử đang trở thành biểu tượng cho sự hội nhập. Việt Nam với lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, cùng các chính sách hỗ trợ đầu tư thuận lợi từ Chính phủ đang tạo cơ hội cho các DN trong nước đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài việc sản xuất cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu thụ của nhà máy ANSEN (Trung Quốc) với các khách hàng lớn như: Honeywell, Whirpool, Azad, IDV… Đức Long Gia Lai cũng muốn đưa những sản phẩm điện tử chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước.

Đại diện lãnh đạo Đức Long Gia Lai, cho biết: Việc đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam là bước phát triển chiến lược, khẳng định thương hiệu trong ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, điện tử dân dụng, các thiết bị tự động hóa. Đây cũng được xem là bệ phóng để mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Việc các DN trong nước chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất linh kiện điện tử sẽ góp phần tích cực vào ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của nước ta, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Những dự án này sẽ là một bước phát triển cần thiết cho việc khẳng định năng lực nội địa hóa lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử trong nước.

Mai Tiên

Có thể bạn quan tâm