Thời sự - Bình luận

Đừng để trả giá đắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lạ một điều, ngành được coi là “quốc sách hàng đầu”, với tôn chỉ “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai” mà vì sao vẫn thiếu giáo viên. Thiếu nguồn tuyển đã đành mà tuyển cũng không giữ được.

Không chỉ nghề giáo, gần đây, hiện tượng bỏ việc trong một ngành mà xã hội tôn vinh, ngành y, cũng nhiều đến mức báo động.

Hãy khoan đánh giá, nhận xét người bỏ việc mà cần xem lại cái cách mà chúng ta đối xử với những người được gọi tên bằng cả sự kính trọng: thầy (thầy giáo/thầy thuốc) như thế nào cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Lương giáo viên mới ra trường chỉ được vài triệu trong khi những chi phí đảm bảo cuộc sống thường nhật ngày càng đắt đỏ, vượt xa số thu nhập ít ỏi đó. Nhiều thầy cô giáo phải làm thêm để kiếm sống: chạy xe công nghệ, bán hàng trên mạng, kiếm thêm một công việc nữa để lo cho gia đình. Giáo viên trường công tham gia dạy cho các trường tư để có thu nhập đủ sống không còn là chuyện đơn biệt.

Nếu nhà nước vẫn không thể trả thu nhập đủ sống, họ sẽ kiếm thêm công việc để làm và chuyện bê trễ công việc chính - công việc mà họ được yêu quý, trọng vọng - không còn là chuyện hiếm. Ai đảm bảo rằng, khi thầy cô livestream hàng giờ đồng hồ để bán hàng, thức đêm làm món này món khác bán online, tranh thủ giờ rảnh chạy xe công nghệ… thì không làm sức khỏe thể chất và tinh thần của họ sa sút, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học?

Chưa kể ngoài việc dạy, giáo viên còn phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến sổ sách, hội họp, điểm số, công tác chủ nhiệm… Mặc dù thời gian gần đây cơ quan quản lý giáo dục đã bớt đi một số công việc của nhà giáo nhưng vẫn có thể giảm thiểu hơn nữa những việc chiếm nhiều thời gian và công sức giáo viên.

Sự chăm lo về mặt tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo và thầy thuốc cũng vẫn còn chưa xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Hiện tượng xông vào cơ sở giáo dục, y tế để hành hung thầy giáo, thầy thuốc cũng vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính cá nhân và chưa thật sự có chế tài nghiêm khắc.

Hiện nay, chỉ mới có những con số về giáo viên, bác sĩ nghỉ việc riêng lẻ ở các địa phương. Chúng ta cần một báo cáo rõ ràng về số liệu, tình trạng và nguyên nhân bỏ nghề trong lĩnh vực giáo dục và y tế, từ đó mới có cơ sở đưa ra bài toán giải quyết thiếu nhân lực có trình độ cao, có lương tâm nghề nghiệp trong 2 lĩnh vực này.

Chúng ta không thể có những người thầy giỏi nếu không có những người giỏi muốn làm việc trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhân lực cho giáo dục chiếm phần lớn trong đội ngũ viên chức nhà nước. Thiếu đầu tư cho họ bằng các chính sách cụ thể từ việc học nghề đến hành nghề thì cái giá mà chúng ta phải trả có thể cao hơn nhiều so với việc đầu tư và đãi ngộ giáo dục lẫn y tế công hiện nay.

Trả thù lao xứng đáng, có một môi trường làm việc thật sự tôn trọng là một trong những cách giảm thiểu tình trạng nguồn nhân lực này bỏ nghề.

NGƯT- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

 

Có thể bạn quan tâm