(GLO)- Dư luận cả nước xôn xao về câu chuyện một nữ sinh ở Thanh Hóa lấy trộm chiếc váy trị giá 160 ngàn đồng bị chủ cửa hàng thời trang M.H. đánh đập, cắt tóc và áo rồi quay clip tung lên mạng. Gia đình nữ sinh còn bị chủ shop đòi bồi thường thiệt hại 15 triệu đồng. Vụ việc này sau đó đã được cơ quan chức năng vào cuộc; vợ chồng chủ cửa hàng quần áo cũng bị khởi tố với 2 tội danh: làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, toàn bộ hàng hóa của shop bị tịch biên vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi xem clip được đăng tải trên mạng xã hội, chị T.P.L. (TP. Pleiku) chia sẻ: “Trộm cắp là sai nhưng cái sai đó cần có cách giáo dục và bảo ban phù hợp chứ không thể dùng 1 hành vi sai trái khác để trách phạt”. Trong câu chuyện này, chắc chắn mỗi chúng ta đều có chung cảm nhận như chị L. Hành vi trộm váy của nữ sinh là sai nhưng cách hành xử của chủ shop thì lại lấy cái sai để xử lý cái sai, thậm chí còn dẫn đến việc bản thân phải trả giá trước pháp luật. Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nhìn lại, việc một bộ phận cộng đồng mạng đem cái sai của chủ shop M.H. ra xỉ vả, nhạo báng khắp nơi cũng chẳng khác nào nối dài thêm chuỗi sai trái xoay quanh sự việc.
Thêm vào đó, vì cảm thông với nạn nhân, nhiều tổ chức, cá nhân còn kêu gọi, đến tận nhà để ủng hộ tiền mặt cho nữ sinh. Cộng đồng mạng lại một lần nữa dấy lên những tranh cãi trái chiều. Không ít người cho rằng, hành vi sai của chủ cửa hàng đã được pháp luật xử lý. Tuy nhiên, việc trộm đồ của nữ sinh là không đúng. Do đó, cần “sòng phẳng” nhìn nhận vấn đề để tránh những hành động, việc làm vô tình cổ súy cho cái sai.
Vụ việc ở Thanh Hóa lần này làm tôi nhớ đến câu chuyện tương tự xảy ra ở thị trấn Chư Sê cách đây hơn 7 năm về trước. Tháng 4-2014, trong lần cùng bạn đến Siêu thị V.Y. mua đồ dùng học tập, một học sinh THCS đã cầm 2 cuốn sách mình yêu thích nhưng chưa trả tiền. Chưa bước ra khỏi siêu thị, cặp sách vẫn còn gửi tại quầy, em đã bị nhân viên ở đây hô hoán lên là ăn trộm; sau đó, bị trói tay lại, bắt đeo tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” ở cổ rồi chụp ảnh đưa lên mạng. Nhân viên siêu thị buộc em học sinh phải gọi người nhà đến và đền 200 ngàn đồng thì mới được tha (giá trị của 2 cuốn sách là 20 ngàn đồng). Vụ việc này cũng từng khiến dư luận “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, trộm cắp là hành vi xấu, cần lên án, phải giáo dục, răn đe, nhất là khi đối tượng đang ở độ tuổi trưởng thành. Một số khác lại cho rằng, hành động của nhân viên siêu thị là thiếu tính nhân văn, có thể làm ảnh hưởng đến nhân cách, tổn thương tâm hồn của một đứa trẻ. Đúng sai của sự việc đến đâu, tôi không bàn lại ở đây, vì kết quả đã rõ. Thế nhưng, điều đáng mừng là ngành chức năng và các bên liên quan đều đã có cách hành xử cầu thị đúng đắn, biến cái sai thành bài học kinh nghiệm để sửa sai và hướng đến những điều văn minh, tốt đẹp hơn.
Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp việc “lấy cái sai này để xử lý cái sai khác”. Có lúc là cố ý, song đôi khi đó cũng chỉ là những hành động bột phát trong giây phút nóng giận, cạn nghĩ của một hoặc một số người. Như mới đây thôi, tôi chứng kiến 1 phụ huynh “đánh lẫy” con mình trước mặt nhiều người. Hỏi ra mới biết, đứa bé vì tranh nhau 1 món đồ chơi mà vô tình làm bạn ngã mạnh khiến tay bạn bị xước chảy máu. Vì xót con nên người mẹ đã ôm con đi thẳng tới “mắng vốn”, nói những lời nặng nề với phụ huynh của bé gây ra lỗi. Thay vì bình tĩnh giải quyết, người mẹ này lại lao tới dùng tay phát vào mông con mình mấy cái thật mạnh, còn không quên la mắng và căn dặn con sau này không được sang nhà người hàng xóm ấy chơi nữa. Sự tức giận trong lòng 2 người mẹ theo tiếng khóc của 2 đứa trẻ ngày một to. Chỉ vì một mâu thuẫn vụn vặt và rất đỗi bình thường giữa con trẻ mà họ lại cạch mặt, nghỉ chơi với nhau, dù rằng mối quan hệ hàng xóm trước đây khá tốt. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, giá như, cả 2 phụ huynh ấy có thể bình tâm hơn, rồi cùng nhau có những lời bảo ban đúng đắn cho con trẻ thì hay biết mấy. Một trong 2 đứa trẻ cũng chẳng phải gánh chịu đòn roi, thậm chí ảnh hưởng đến tình bạn đẹp đang dần hình thành trong các bé. Chưa kể, cách hành xử của 2 người mẹ vô hình trung tạo cho con trẻ nhận thức không đúng về cách giải quyết một sự việc, có thể ảnh hưởng tới nhân cách và hành vi của các bé sau này.
Có nhiều cách để nhìn nhận và đánh giá một sự việc, vấn đề. Tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Vậy nhưng, việc dùng cái sai để xử lý cái sai chắc chắn là điều không nên; bởi lẽ, hậu quả mà nó đem lại đôi khi khiến chúng ta phải ân hận hoặc dằn vặt cả đời. Bởi vậy, trang bị cho mình phông văn hóa để đủ điềm tĩnh và sáng suốt trong xử lý tình huống, sự việc một cách hợp tình, hợp lý không phải chuyện dễ dàng.
MỘC TRÀ