Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

“Dùng người cũng như dùng gỗ ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đề cập về sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Theo Người nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn tới hệ quả “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại”.

Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958). Ảnh: Tư liệu
Mỗi cán bộ đều có thế mạnh, năng lực, sở trường của mình, do đó cần phải hiểu cán bộ, nhận dạng đúng năng lực, sở trường để bố trí, sử dụng hợp lý. Một cán bộ dù tài giỏi đến mấy cũng khó có thể hiểu biết, thành thạo ở nhiều lĩnh vực. Sự chuyên sâu về nhiệm vụ chuyên môn là nhân tố giúp cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần khắc phục kiểu sử dụng cán bộ “Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”. Theo Người, ở mỗi cán bộ đều có tài năng nhưng cái chính là ở nghệ thuật phát hiện đúng tài năng của họ đến mức nào để sử dụng hợp lý “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. Ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.

Bằng sự theo dõi, kiểm tra thực tế, Người đã phát hiện ở một số cấp ủy, một số người khi sử dụng cán bộ đã phạm vào những chứng bệnh sau “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập tình trạng bố trí cán bộ không khoa học, dẫn tới lãng phí, hiệu quả công việc thấp. Người nói “Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã chỉ dẫn mục đích, phương châm cất nhắc cán bộ “Phải có gan cất nhắc cán bộ- Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy”. Coi trọng việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng lúc, đúng tầm, khi cán bộ đang đi lên, có độ chín về phẩm chất và tài năng. Đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sớm hoặc muộn quá đều không tốt. Khi cất nhắc, đề bạt mà xét thấy cán bộ không có khả năng đảm đương công việc “Cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ”. Cất nhắc cán bộ là việc hệ trọng, đòi hỏi sự chuẩn xác cao nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không”.  Đồng thời phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ “Khi cất nhắc cán bộ, phải xem xét kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”. Người còn lưu ý các cấp ủy đảng, cơ quan tổ chức cán bộ cần phòng tránh “Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”. Làm như vậy là không “thương yêu cán bộ”, nhưng theo Bác “Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc... là giúp họ học tập thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt... luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ”. Người còn yêu cầu các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị phải biết tập hợp, quy tụ, sử dụng cán bộ ngoài Đảng “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ...đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Miễn rằng họ đảm bảo tiêu chuẩn, toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Vấn đề đặt ra là các cấp ủy đảng nhận thức và vận hành đúng phương thức, nghệ thuật sử dụng cán bộ của Người, để hiện thực hóa tư tưởng đó trong thực tiễn, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cán bộ trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập hiện nay.
Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm