Trước đó, ngày 8-4, tại xã Sơ Pai (huyện Kbang) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh tiểu học tử vong. Trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ đuối nước khiến 15 người tử vong. Đáng chú ý, nạn nhân của các vụ đuối nước đa số là thiếu niên, nhi đồng.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo do UBND tỉnh tổ chức ngày 11-4, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh cho biết: Những năm qua, tai nạn đuối nước diễn biến khá phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống còn khó khăn nên các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái. Vì vậy, các em thường bị tai nạn đuối nước trong lúc đi chơi ở khu vực ao hồ, sông suối.
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng đuối nước trẻ em, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các ngành liên quan triển khai giáo dục cho học sinh nhận biết các nguy cơ cũng như kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.
Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Tai nạn đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Không chỉ ở Việt Nam, tai nạn đuối nước cũng là vấn nạn mang tính toàn cầu. Vì vậy, tháng 4-2021, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu và lựa chọn ngày 25-7 hàng năm là Ngày Thế giới phòng-chống đuối nước.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng-chống đuối nước, ngày 25-7-2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng một số bộ, ngành tổ chức lễ ký kết Kế hoạch liên ngành phòng-chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030.
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức của các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em, cộng đồng về phòng-chống đuối nước trẻ em; xây dựng môi trường an toàn, triển khai các hoạt động can thiệp loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em, làm biển báo tại nơi nước sâu, nguy hiểm, rào ao, lấp các hố nước, làm nắp cống; triển khai hoạt động tư vấn, giáo dục, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng-chống đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; triển khai dạy bơi an toàn cho trẻ em; triển khai giám sát trông giữ trẻ em, kiện toàn hệ thống cứu hộ, sơ cấp cứu phòng-chống đuối nước trẻ em.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng-chống đuối nước trẻ em; hoàn thiện và thực thi các quy định an toàn phòng-chống đuối nước trẻ em, đặc biệt khi tham gia giao thông đường thủy; triển khai các hoạt động phòng-chống đuối nước trong thiên tai, bão lũ; triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các quy định an toàn về phòng-chống đuối nước trẻ em và nghiên cứu thu thập thông tin số liệu về phòng-chống đuối nước trẻ em.
Gia Lai đang giữa mùa nắng nóng, thậm chí khô hạn. Có vẻ vô lý khi tình trạng đuối nước lại gia tăng ngay giữa… mùa khô! Trên thực tế, điều đó chẳng phải vô lý khi tập quán vui chơi, tắm giặt nơi ao hồ, sông suối của trẻ em vào mùa khô vẫn diễn ra. Đợt nghỉ hè của học sinh các cấp đã cận kề. Theo đó, nguy cơ tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng đang dần hiển hiện.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm giám sát và hướng dẫn con cái tránh xa các nguy cơ tai nạn đuối nước. Đặc biệt, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai đầy đủ các nội dung trong Kế hoạch liên ngành phòng-chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030. Có như vậy, sức khỏe và tính mạng của trẻ em mới được đảm bảo. Và, 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em mới dần được loại bỏ!