Xã hội

Lao động - Việc làm

Đường hành lang kinh tế phía Đông trước nguy cơ chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, thiếu đất đắp đường là những nguyên nhân chính dẫn đến việc Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh đứng trước nguy cơ khó hoàn thành theo tiến độ vào giữa năm 2025.

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với chiều toàn tuyến là 15,14 km và nền đường rộng 30 m. Thời gian thực hiện dự án là 2022-2025. Dự án khi hoàn thiện sẽ giúp kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku, băng qua các điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai như Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh…

Các nhà thầu đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu đất san lấp khi thi công Đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh. Ảnh: T.D
Các nhà thầu đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu đất san lấp khi thi công Đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh. Ảnh: T.D

Đây là một dự án hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dự án này đang đứng trước nguy cơ không thể về đích đúng theo thời hạn quy định. Ông Nguyễn Văn Trung-Chỉ huy trưởng thi công của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Tây Nguyên-cho biết: “Công ty nhận thi công gần 1,5 km, lý trình từ Km 6+780 đến Km 8+260. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thi công được khoảng 50% khối lượng cống dọc và hố ga của công trình. Việc thi công với khối lượng chỉ đạt như vậy là vì ngày 9-1-2024 mới bàn giao được mặt bằng cho các đơn vị triển khai thi công, trong khi theo hợp đồng là ngày 22-10-2022. Tính ra thì việc mới thi công trong hơn 1 tháng với khối lượng như vậy là đã vượt tiến độ đề ra nhưng về lâu dài thì chưa chắc chắn. Hiện chúng tôi chuẩn bị thi công nền đường mà thiếu đất đắp. Nếu kéo dài như vậy thì công trình sẽ chậm tiến độ vì khối lượng thi công phụ thuộc phần nền, mặt đường chứ không tính cống dọc và hố ga”.

Nói về những vướng mắc gặp phải khi thi công gói thầu này, ông Trần Văn Thạc-Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai-cho hay: “Công ty thi công gói thầu số 8 trên tuyến đường này. Tuy nhiên, tại địa phận 2 huyện Đăk Đoa và Chư Păh chỉ mới được bàn giao mặt bằng cho đoạn từ Km2+800 đến Km3+900 tại huyện Đăk Đoa. Phần còn lại từ Km11+800 đến Km13+600 ở huyện Chư Păh vẫn chưa được địa phương bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, dự kiến để thi công công trình phải cần hơn 60 nghìn khối đất đắp nhưng đến nay chưa có mỏ được cấp phép nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình. Đơn vị cũng rất mong muốn chủ đầu tư cùng các sở, ban, ngành tạo điều kiện giải quyết được nguồn đất đắp cho công trình”

Tương tự, đơn vị trúng gói thầu số 7 thi công cầu Biển Hồ trên tuyến đường này là Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 đang đau đầu tìm lời giải cho những vướng mắc đang mắc phải. “Dự án được triển khai từ tháng 12-2022, tổng mức đầu tư là 378 tỷ đồng. Quá trình triển khai vướng nhất là việc giải phóng mặt bằng. Để triển khai được kết cấu phần dưới của cầu thì phải có đường vào mới làm được. Mỗi đầu cầu chỉ có 100 m thôi nhưng muốn hoàn thiện là phải có mặt bằng để triển khai công tác thi công đường đầu cầu. Khó khăn nữa là vấn đề đất đắp nên cũng chưa triển khai được đường đầu cầu”-ông Nguyễn Văn Quảng-Chỉ huy trưởng công trình của Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 nói.

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh đứng trước nguy cơ về đích không đúng thời hạn đề ra trước đó. Ảnh: T.D

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh đứng trước nguy cơ về đích không đúng thời hạn đề ra trước đó. Ảnh: T.D

Theo ông Trần Huy Hùng-Trưởng phòng Quản lý dự án (Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai) thì vướng về công tác giải phóng mặt bằng, cũng như việc thiếu đất đắp khiến các nhà thầu phải làm việc theo kiểu “cuốn chiếu”, nguy cơ chậm trễ cho thời gian hoàn thành dự án vào giữa năm 2025. “Theo quyết định phê duyệt dự án thì có 8 vị trí mỏ san lấp, chủ đầu tư đã trình các địa phương để xin cải tạo nguồn đất san lấp theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy vậy, hiện tại chỉ có UBND TP. Pleiku cấp cho một vị trí được phép cải tạo đất san lấp. Để dự án đảm bảo tiến độ đề ra thì đề nghị các cấp, sở, ngành và chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng và giải quyết nguồn đất san lấp cho chủ đầu tư để tiến hành đảm bảo tiến độ dự án đề ra”-ông Hùng thông tin thêm.

Trao đổi với chúng tôi về những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn đất san lấp ở một số công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh, nhất là tại Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh-cho biết: Nhiều mỏ đất ở Gia Lai đã đấu giá nhưng chưa thể cấp phép do chưa bồi thường được tài sản trên đất của người dân. Việc đấu giá khoáng sản thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng đấu giá trên quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân đang gây ra nhiều bất cập. Còn việc giải phóng mặt bằng phải thực hiện theo điều 73 của Luật Đất đai. Người trúng đấu giá thực hiện công tác bồi thường nhưng các hộ dân đòi giá rất cao nên không thực hiện được. Việc này không phải chỉ Gia Lai mà các tỉnh khác cũng đều vướng. Luật Địa chất khoáng sản đang trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo, dự kiến giữa năm 2024 sẽ trình Quốc hội thông qua để điều chỉnh một số bất cập Luật Khoáng sản năm 2010. Hy vọng lúc đó sẽ tháo gỡ được các vướng mắc mà thời gian qua đang gặp phải.

Có thể bạn quan tâm