Nếu không cảnh giác, dư luận các nước có thể bị đánh gục dần dần khi tuyên bố chủ quyền phi pháp 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc âm thầm len lỏi vào cuộc sống thường ngày.
Tọa đàm “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế” - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Sáng 14-10, tại buổi tọa đàm mang tên "Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế", các diễn giả đã chứng minh rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi trên Biển Đông.
Họ phân tích từ khía cạnh khoa học tới pháp lý, từ cấu trúc nước sâu hình thành từ 240 triệu năm trước tới Hòa ước Patenôtre 1884.
Hành động có toan tính
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ về việc bộ phim hoạt hình có sự tham gia sản xuất của Trung Quốc với hình ảnh "đường lưỡi bò" lọt vào rạp chiếu Việt Nam, TS Trần Công Trục khẳng định "đây là một tính toán của Trung Quốc".
"Họ đã làm điều này và sẽ còn tiếp tục. Trung Quốc muốn giành sự công nhận trên thực tế, cho nên họ đã dùng tất cả các hình thức, từ tài liệu, bản đồ, sơ đồ đến dự án kinh tế, thậm chí là in hình ảnh "đường lưỡi bò" trên áo phông của khách du lịch" - nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ nói.
TS Trần Công Trục cho rằng Việt Nam cần có những biện pháp thể hiện sự phản đối hoặc bảo lưu với những chủ trương lợi dụng sức ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc.
Sự cố vô tình tuyên truyền cho Trung Quốc trong rạp phim cũng rơi vào đúng khoảng thời gian tình hình Biển Đông căng thẳng.
Trung Quốc đến nay tiếp tục cho nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế.
Để đảm bảo tinh thần đấu tranh kiên quyết nhưng ôn hòa, mang tính xây dựng, Việt Nam đang nỗ lực ở các kênh ngoại giao.
Nhưng theo TS Tạ Đình Thi - tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo, vấn đề lớn nhất nằm ở công tác tuyên truyền.
"Hiện nay, tư duy và nhận thức về biển đảo ở nhiều cấp, ngành và trong nhân dân còn hạn chế. Để phát huy được sức mạnh toàn dân, công tác tuyên truyền, truyền thông cần sự đổi mới, cập nhật sát tình hình.
Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng một tổ chức có khả năng kiểm soát và giám sát các tình hình trên Biển Đông cũng như đưa ra các phương thức để đấu tranh trên mặt trận tư tưởng" - ông nói.
Đẩy "đường lưỡi bò" ra khắp thế giới
Trên thực tế, những "đường lưỡi bò" ấy xuất hiện không xuất phát từ những cá nhân, mà đó là một mưu đồ lớn Trung Quốc đang cố tận dụng nhiều kênh, nhiều cách để thực hiện.
Không đâu xa, kênh thể thao nổi tiếng ESPN vừa mới đây cũng bị chỉ trích dữ dội vì để "đường lưỡi bò" xuất hiện trong chương trình Sportscenter phát lúc 7h sáng.
Đó là chương trình liên quan tới giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, với bản tin được tường thuật từ... Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực vươn mình thành cường quốc thể thao vào năm 2050, vì vậy gần như toàn bộ giải đấu danh giá, trong đó có NBA, đều không cưỡng nổi sức hút tài chính mà thị trường đông dân này mang lại.
Theo một luật có hiệu lực từ tháng 1-2018, tất cả các bản đồ ở Trung Quốc và những vùng lãnh thổ như Hong Kong, Macau và Đài Loan, bản đồ thế giới hay bản đồ lịch sử đều phải qua bàn tay kiểm duyệt của Cục Khảo sát và bản đồ nhà nước.
Chỉ những tấm bản đồ vùng ở các khu vực dành cho khách du lịch hoặc bản đồ giao thông công cộng là không bị kiểm duyệt.
Theo một danh sách sản phẩm do cục này phê chuẩn, 42.822 mặt hàng có chứa bản đồ đã được rà soát từ năm 2000.
Trước đây nó đa số là bản đồ và atlas, nhưng giờ đây danh sách đó đã mở rộng tới sách thực hành địa lý, sách lịch sử...
Đây là một phần trong kế hoạch tuyên truyền tổng thể của Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh theo dõi và phản đối bất kỳ bản đồ nào không nói Đài Loan hay Hong Kong thuộc Trung Quốc, hoặc không chứa "đường lưỡi bò".
Một mặt, với thế mạnh may mặc, sản xuất thiết bị văn phòng phẩm bán khắp thế giới, Trung Quốc tích cực đẩy "đường lưỡi bò" vươn khắp toàn cầu.
Nhật Đăng-Thanh Hiền (TTO)