Các cộng đồng trên toàn thế giới hiện đang nỗ lực vận động Chiến dịch “Đường phố an toàn cho cuộc sống mang tên #CommitToAct - Cam kết hành động”. Cùng với các đối tác của tổ chức, Quỹ AIP tham gia vào phong trào toàn cầu này từ Pleiku - thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn tại Việt Nam.
Quỹ AIP phối hợp cùng các đối tác chính phủ, bao gồm Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai và các đối tác liên quan tổ chức Chương trình Tổng kết giai đoạn II dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”. Mục đích chung của dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” là đóng góp vào việc giảm thương tích và tử vong do va chạm giao thông tại các khu vực trường học.
Thành quả của dự án tạo ra một môi trường đường bộ an toàn hơn cho học sinh trên đường đến trường cũng như về nhà thông qua các giải pháp điều tiết và kiểm soát giao thông tại khu vực trường học, bao gồm quy định giới hạn tốc độ tối đa trong khu vực trường học, nâng cao kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn với Tài liệu điện tử An toàn giao thông và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng kết hợp cùng tăng cường tuần tra kiểm soát việc tuân thủ các quy định mới về giới hạn tốc độ. Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Botnar, Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu, Liên đoàn Ô tô Quốc tế và được hỗ trợ bởi Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế nhằm giúp học sinh trở nên an toàn hơn trên đường đi học.
"Chúng tôi có mối quan hệ đối tác vững mạnh mẽ với Quỹ AIP và các đối tác của họ để triển khai khu vực trường học an toàn tại thành phố Pleiku. Đối với Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia, việc đảm bảo an toàn cho tất cả trẻ em trên cả nước khi đến trường cũng như về nhà có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh và chúc mừng những thành tựu của Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” đã góp phần bảo vệ các em học sinh và phụ huynh. Chúng tôi mong rằng dự án sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, và được nhân rộng mô hình trên toàn quốc" - Bà Trịnh Thu Hà, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẻ.
Đường phố an toàn cho cuộc sống tại Pleiku |
Khi triển khai giai đoạn 1, dự án đã phát triển bộ tài liệu điện tử an toàn giao thông cho học sinh tiểu học. Đây là một công cụ giáo dục hiệu quả và sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm để trang bị cho các em những kỹ năng thiết yếu khi tham gia giao thông an toàn. Tài liệu điện tử cung cấp kiến thức và kỹ năng tham gia tất cả các loại hình phương tiện giao thông, phù hợp với các tình huống thực tiễn ở Việt Nam, bao gồm cả an toàn trên tàu thuyền và các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu hỏa.
Từ những cải tạo được thực hiện để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn ở Việt Nam, Quỹ AIP đã chung tay với chính quyền địa phương để xây dựng Định nghĩa khu vực trường học an toàn đầu tiên tại thành phố Pleiku nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Định nghĩa khu vực trường học an toàn dự kiến sẽ được UBND TP Pleiku phê duyệt trong tháng 5 năm 2022. Sau khi được phê duyệt, định nghĩa này sẽ áp dụng cho các trường học được xây dựng mới và việc cải tạo, nâng cấp các trường hiện tại trong thành phố. Văn bản này sẽ tác động tích cực đến cộng đồng trường học và đóng vai trò nền tảng ủng hộ các quyết định pháp lý tương tự ở cấp tỉnh và quốc gia về Định nghĩa khu vực trường học an toàn.
Đối với tất cả học sinh ở thành phố Pleiku, việc tiếp tục triển khai giai đoạn mở rộng của dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn sẽ không chỉ bảo vệ các em trên đường đi học mà còn đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có thể tiếp cận giáo dục một cách an toàn và bình đẳng. Các hoạt động trong giai đoạn mở rộng sẽ khuyến khích trẻ em và các gia đình đi bộ và đi xe đạp đến trường, góp phần cải thiện an toàn giao thông cho thành phố Pleiku, đồng thời làm hình mẫu các thành phố xanh và lành mạnh hơn.
Theo Bảo Châu (PLO)