TN - Đất & Người

Đường sắt trên Tây Nguyên một viễn cảnh đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách đây lâu lâu, tôi nghe phong thanh người ta có ý định làm đường sắt lên Tây Nguyên, đâu như điểm đầu từ Tuy Hòa, lên Krông Pa của tỉnh Gia Lai, rồi từ đấy sẽ nhập vào đường sắt chạy dọc Tây Nguyên, song song với đường sắt đồng bằng. Tức cái đường Tuy Hòa - Krông Pa ấy là trục nối, nó tương tự như đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt hồi nào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Ga Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Ga Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành

Và tôi luôn ao ước, sẽ có ngày tàu lửa chạy trên Tây Nguyên, mở ra một hướng vận chuyển mới, vừa rẻ, vừa nhiều, vừa tiện, đồng thời phục vụ tốt cho việc phát triển du lịch hiện nay.

Là nhớ cái lần tôi sang Đài Loan, vào một khu du lịch, trong suất vé có phần lên một đoàn tàu, đâu chỉ có bốn năm toa, mỗi toa chưa tới chục người, chạy nhấp nhô trong khu du lịch, cũng uốn lượn đèo núi vườn hoa cầu cống hồ cá, thú vị lắm. Tất nhiên, khu du lịch nên tàu chạy bằng điện, dù khi chạy vẫn có tiếng lạch cạch của bánh tàu nghiến vào đường ray nhưng đầu tàu không có tiếng máy. Tới các ga cũng tấp nập người lên xuống, ai cũng hớn hở như vừa được đi tàu xuyên... Tây Tạng. Và tôi miên man nhớ những lần sinh viên trốn vé tàu chợ, người như nêm cối xay, chạy từ Huế và Đà Nẵng mất gần cả đêm, xuống tàu người đen sì bụi than. Và cũng nhớ lời giáo sư dạy chúng tôi: Muốn gần Nhân dân, hiểu những mảnh đời cần lao để thành nhà văn, nên đi tàu chợ...

Rồi một dạo, lại nghe người ta khảo sát tuyến đường sắt từ Đà Nẵng lên Tây Nguyên, để từ đó có thể thông sang Lào. Và nghe nói, tuyến này mới kinh tế, mới thiết thực, thành tuyến liên vận quốc tế, vân vân...

Sực nhớ từ hồi trước 1975, đường sắt phía Bắc chỉ tới Vinh, hồi ấy những chiếc đầu máy hơi nước cổ lỗ đen sì phì phò miệt mài chạy trên đường ray, cả tàu và đường ray đều cũ, nhưng để chen được lên tàu là cả một vấn đề. Và có từ “tàu chợ”, “toa đen”, rồi “vé chợ đen”.

Lớp tôi ở Trường cấp 3 Hậu Lộc, Thanh Hóa có mấy anh bạn nghỉ hè thì theo bố đi làm thợ xẻ, lớp 10 nhưng lớn lộc ngộc rồi, vào Quảng Bình “nổ” với các em gái: Anh làm nghề... bơm lốp tàu. Là ám chỉ cái sự người từ Hà Tĩnh trở vào tới Vĩnh Linh thời ấy chưa biết tàu lửa là gì nên tưởng bánh tàu giống bánh ô tô.

Ngay sau ngày thống nhất Tổ quốc, việc đầu tiên Nhà nước quyết làm để chứng minh nước nhà... thống nhất là làm đường tàu Thống Nhất. Và bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa “Tàu anh qua núi” ra đời giai đoạn này. Hàng triệu người đã tham gia làm đường tàu Thống nhất, người người hân hoan chờ ngày nối đường tàu Thống nhất, và ngày đôi tàu đầu tiên cùng lúc xuất phát từ ga Hàng Cỏ và ga Sài Gòn cập hai đầu thành phố lớn của đất nước là sự kiện rất lớn, cả nước hân hoan đón chào, lãnh đạo quốc gia ra tận ga bắt tay tổ lái.

Và hồi ấy cũng chỉ mới biết nước ta có mấy đoạn đường sắt với tuyến chính là đường sắt Bắc Nam, gọi tàu Thống Nhất, rồi các tuyến ngắn với Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quán Triều, Kép - Lưu Xá, Kép - Hạ Long. Sau năm 1975, tôi mới biết thêm là từ năm 1881, tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương có chiều dài 71 km nối Sài Gòn với Mỹ Tho đã được khởi công xây dựng.

Phải tới tận khoảng năm 1985, một lần lên Đà Lạt, tôi cũng mới biết từng có tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Và điều kỳ diệu là, nó là 1 trong 2 tuyến đường sắt đặc biệt trên thế giới, là đường sắt răng cưa. Nước thứ 2 có loại đường sắt này là Thụy Sĩ, để chạy lên núi Furka.

Cũng mới biết sau đấy, một phần đường ray và tà vẹt của đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được tháo dỡ để đưa về làm đường sắt Thống Nhất dạo nào, còn lại thì bán... sắt vụn. Và trùng hợp là, thời gian ấy, đoạn đường sắt răng cưa leo núi Furka ở Thụy Sĩ cũng bị ngưng sử dụng do đầu máy hơi nước bị hỏng không phục hồi được, thế là phần đầu máy của tuyến xe lửa Đà Lạt được bán cho công ty khai thác đường sắt Thụy Sĩ... Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt quan trọng tới nỗi, hôm khánh thành nó, cả Vua Bảo Đại và Toàn quyền Pháp Rene Robin cùng tới dự.

Đây là một đoạn bài viết của một bạn đã đi du lịch Thụy Sĩ, được ngồi trên cái đầu tàu của ga Đà Lạt thuở nào trên một trang mạng: “Khi đến thăm Thụy Sỹ, ít người tới được đèo Furka Pass (nối Bắc và Nam Alpo), ngoài cảnh quan hùng vĩ nơi đây, còn xem mấy đầu máy hơi nước đang sử dụng có nguồn gốc và lịch sử rất huy hoàng gắn với Việt Nam - Đà Lạt.

Tuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km, đông đúc du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Chính Thành

Tuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km, đông đúc du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Chính Thành

Hồi thập niên 1930, Khi Pháp mở tuyến đường sắt bánh răng Phan Rang - Đà Lạt, Pháp đã ép Thụy Sỹ bán rẻ cho Pháp 7 đầu máy hơi nước chuyên chạy bánh răng vùng núi do Hãng FO Thụy Sĩ sản xuất. Thật ra do làm ăn thất bát bởi ảnh hưởng chiến tranh thế giới, do nhu cầu điện khí hóa tuyến đường Furka những năm 1930, Công ty mẹ FO đã bán những đầu máy này. Thời điểm từ 1935 - 1975, ngoài Thụy Sĩ, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới sở hữu đầu máy bánh răng chạy bằng hơi nước do Hãng FO danh tiếng Thụy Sĩ sản xuất, cũng như tuyến đường sắt leo núi độc đáo với những đoạn dốc quanh co có một không hai từ Phan Rang lên Đà Lạt. Ngày nay, 4 tàu hơi nước mang về từ Việt Nam đó nghễu nghện chạy tuyến núi Furka-Bergstocke và khách tham quan phải trả 60$/lượt...”. Ta đọc, thấy rõ sự tự hào và cả tiếc nuối của bạn này khi tới Thụy Sĩ du lịch và “gặp” Việt Nam như thế nào?

Và chuyến lên Đà Lạt lần ấy, tôi đã lần mò tới ga Đà Lạt để xem, trong một sự vừa ngạc nhiên vừa thích thú, với sự hoài niệm.

Rồi niềm vui vỡ òa khi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới tận nơi thị sát ga Đà Lạt, và ông nói: “Cần thiết thì có thể khôi phục”. Nhiều người nói ngay, rất cần thiết, thưa Thủ tướng.

Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, lâu nay để lên Đà Lạt duy nhất có 2 đường (cả Tây Nguyên cũng thế) là đường bộ và đường hàng không. Nếu giờ, thêm đường sắt nữa, thì du lịch Đà Lạt sẽ như hổ được chắp thêm... chân trước, đại bàng nối thêm cánh. Người ta sẽ lên Đà Lạt bằng tàu hỏa, không chỉ với mục đích là phương tiện, mà bản thân cái tàu chạy từ đồng bằng ngược núi lên độ cao hơn một ngàn hai trăm mét ấy đã là một địa chỉ du lịch, một thành tố của du lịch.

Thì ngay bây giờ ấy, chỉ còn khoảng bảy cây số từ Trại Mát tới Đà Lạt để khai thác du lịch, dẫu chỉ là đường sắt bình thường chứ không có đoạn răng cưa nào, mà nó đã nổi tiếng rồi, đã rằng, ai đã tới Đà Lạt đều phải tìm tới để check in rồi, huống gì ngồi từ Phan Rang, ngắm biển rồi len lỏi giữa rừng, đặc biệt luồn núi rồi băng qua những khu rừng, giữa những rờm rợp dã quỳ, xuyến chi, rồi thông, rồi thảo nguyên... rồi vỡ òa với sương mù và cái rét đặc trưng, vân vân...

Cũng mới đây, Thủ tướng chủ trì hội nghị “ba trong một” nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó riêng phần giao thông cho Tây Nguyên sẽ được đầu tư tới 156.000 tỷ đồng phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên. Đây mới là đường cao tốc, hình như chưa có đường sắt.

Chúng ta vẫn có quyền tin vào một ngày mai, không xa nữa, bên cạnh con đường Hồ Chí Minh xuyên Bắc Nam, thì các đường xương cá xuống đồng bằng như đường 14B xuống Đà Nẵng, 14E xuống Quảng Nam, 24 xuống Quảng Ngãi, 19 xuống Quy Nhơn, 25 đi Tuy Hòa, 26 đi Nha Trang... sẽ được mở rộng, hiện đại, và đặc biệt là ý tưởng con đường xe lửa sẽ, và chắc, thành hiện thực. Theo các chuyên gia, con đường này nếu mở sẽ kéo từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) lên Krông Pa (Gia Lai), đây là đoạn ngắn nhất và ít dốc nhất, khoảng chưa đầy100 km, hoặc từ Đà Nẵng lên, hoặc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa mà theo dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ xuất phát từ ga Phú Hiệp (huyện Đông Hòa, Phú Yên) đi qua các huyện Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) sang huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với 8 ga để lên Buôn Ma Thuột. Tuyến đường này sẽ nối với tuyến đường sắt dọc Tây Nguyên từ Kon Tum sang Đà Lạt.

Và giờ, thêm đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, rồi nó nối vào tuyến đường sắt Tây Nguyên. Hình dung ngày nào đấy, những đoàn tàu chạy trên những nhấp nhô thảo nguyên sẽ thú vị biết bao, lướt qua bao làng mạc, bao rừng núi, bao đồng cỏ, những bao la, những rộng lớn, những trời, những chiều, những “pờ lây”, những cộng đồng tộc người Tây Nguyên. Lúc ấy, nó không chỉ còn những giá trị kinh tế, mà là du lịch, là văn hóa, là những trái tim tới trái tim, tâm hồn gặp tâm hồn...

Có thể bạn quan tâm