Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Đường vào Harvard của nữ sinh 18 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng chỉ nói tiếng Anh bập bẹ khi sang Mỹ, nhưng Lê Nguyễn Nhật Hạ đã có sự thay đổi ngoạn mục. Cô bạn tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT North Dallas ở bang Texas và hiện tại đang là tân sinh viên ĐH Harvard (Mỹ).

Có cố gắng, có thành công

Lê Nguyễn Nhật Hạ (18 tuổi), quê Đà Nẵng, là tân sinh viên ngành khoa học máy tính ĐH Harvard. Thế nhưng, lúc mới sang Mỹ năm 9 tuổi, Hạ từng cảm thấy kiệt sức vì trình độ tiếng Anh chỉ bằng các bé mầm non.

Cô thủ khoa trong một bài phát biểu đầy cảm hứng tại Trường THPT North Dallas (Mỹ)
Cô thủ khoa trong một bài phát biểu đầy cảm hứng tại Trường THPT North Dallas (Mỹ)

Tiếng Anh trở thành rào cản cho tất cả mọi thứ, đặc biệt là trong học tập. Hạ kể rằng từng không thể hiểu mọi người đang nói gì và học gì. Cô bạn quyết tâm đọc thật nhiều sách và chăm chỉ xem, nghe thật nhiều video, podcast bằng tiếng Anh. Chỉ sau một năm, trình độ tiếng Anh của Hạ đã tăng lên đáng kể.

Thế nhưng, cô bạn vẫn rất tự ti khi phát âm. Hạ nhút nhát đến nỗi ít khi đóng góp ý kiến xây dựng bài trong lớp. Để giúp thay đổi bản thân, nói tốt hơn mỗi ngày, Hạ đăng ký tham gia các hoạt động tranh biện vào năm lớp 8.

Hạ cho biết các thầy cô đề cử Hạ đại diện trường giao lưu trong các buổi hội nghị từ năm lớp 10. Thừa thắng xông lên, Hạ chinh phục luôn ngôi thủ khoa Trường THPT North Dallas (Mỹ). Đây là ngôi trường mà tác giả Tex Avery, "cha đẻ" loạt phim hoạt hình Những bạn nhỏ tinh nghịch (Looney Tunes), theo học và tốt nghiệp năm 1927. Cô bạn sở hữu GPA 99.23/100 và bắt đầu tiến gần hơn tới giấc mơ Harvard.

Hành trình vào Harvard đầy nghị lực của nữ sinh Việt
Hành trình vào Harvard đầy nghị lực của nữ sinh Việt

"Ban tuyển sinh thường tìm các bạn giỏi một lĩnh vực nào đó, thay vì giỏi tất cả mọi thứ. Mình đã sử dụng bài luận để kết nối tất cả các hoạt động mà mình từng tham gia, đồng thời giải thích cho thầy cô thấy những kinh nghiệm tích lũy từ những hoạt động đó đã giúp mình phát triển thế nào", Hạ chia sẻ.

Hạ cũng cho biết thêm trong buổi phỏng vấn, Hạ không quá quan trọng việc kể những thành tích mà bạn có, bởi trong hồ sơ đã ghi sẵn. Thay vào đó, Hạ biến nó thành một buổi trò chuyện, chia sẻ về sở thích xem phim và những bộ phim Hàn Quốc cho thầy cô nghe. Qua đó, Hạ khéo léo bày tỏ suy nghĩ, tính cách để ban tuyển sinh có thể hiểu thêm về bản thân ứng viên.

Từ một cô bé gặp khó khăn với tiếng Anh, Hạ đã trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Harvard
Từ một cô bé gặp khó khăn với tiếng Anh, Hạ đã trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Harvard

"Khi trò chuyện với thầy cô, Hạ là chính Hạ chứ không phải là một cỗ máy nào đó luôn biết và giỏi tất cả mọi thứ. Nhờ vậy, ngoài Harvard, mình còn đậu luôn Trường ĐH Yale, Columbia và một số trường khác. Mình lựa chọn Harvard bởi có học bổng toàn phần, địa điểm và chương trình dạy. Harvard gần nhiều trường khác, có chương trình STEM, giáo dục khai phóng… rất phù hợp với mình", cô bạn chia sẻ.

Ở Harvard, cô nàng mê mẩn môn an ninh mạng. Trong môn này, các sinh viên tha hồ thảo luận sôi nổi về lịch sử, khám phá các câu chuyện phía sau của các vụ hack máy tính và phần mềm độc hại. Dù bài tập khá nặng nhưng những kiến thức mà cô bạn thu được rất thú vị và bổ ích.

"Mình sướng rơn khi đặt chân đến lớp mà bạn chỉ từng biết tới khi xem các video. Ngồi trực tiếp tại giảng đường và lắng nghe các giáo sư giảng bài, mình cảm thấy phấn khích và hứng thú. Harvard tuyệt vời ở chỗ thầy cô luôn khuyến khích sinh viên sáng tạo ra ý tưởng mới thay vì chỉ học thuộc lòng. Nhờ vậy, dù các công thức có khô khan, sinh viên vẫn có thể hiểu sâu và ứng dụng một cách sáng tạo", Hạ phấn khởi kể.

Cô nàng mê học

Mỗi ngày, Hạ tự học ở thư viện khoảng 5 - 8 tiếng. Nhiều bạn bè trêu cô nàng rằng: "Sống trong thư viện và chỉ về thăm ký túc xá khi buồn ngủ". Thế nhưng, cô gái Việt vẫn cho rằng học trong môi trường ai cũng giỏi, bạn cần phải cố gắng hơn mỗi ngày. Có đôi khi Hạ hơi ngại việc hỏi thầy cô và bạn cùng lớp khi không hiểu bài. Tuy nhiên, trong một lần đọc sách, Hạ bắt gặp câu nói: "Yêu cầu giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nó cho thấy bạn sẵn sàng học hỏi và đó là điểm mạnh". Điều này khiến cô bạn rất tâm đắc.

Vì thế, Hạ quyết định đến thư viện mỗi ngày để hỏi han, trao đổi ý tưởng và giải thích bài học với những người bạn chưa quen biết. Cô nàng thấy rằng việc nêu lên ý tưởng, câu hỏi, và tìm sự giúp đỡ rất được khuyến khích tại ngôi trường này.

Bên cạnh đó, Hạ còn chủ động làm nhiều dạng bài tập, tìm kiếm thông tin trên mạng để củng cố kiến thức. Để ghi nhớ từ vựng hiệu quả, bạn thường xuyên chép lại và dành ra vài phút mỗi ngày để ôn tập. Tốc độ giảng bài nhanh trong lớp nên trước mỗi buổi học, Hạ luôn chuẩn bị kỹ bằng cách xem trước video bài giảng và đọc tài liệu để nắm vững kiến thức cơ bản.

"Mình nghĩ việc hiểu được bản thân cần cải thiện vấn đề gì, tìm nhiều cơ hội mới hay nhờ sự trợ giúp sẽ là cách tốt giúp bạn vượt qua khó khăn trong học tập", Hạ kể.

Hiện tại, Hạ còn làm nhiều video lan tỏa cách học của mình cho mọi người, để con đường vào Harvard rộng mở hơn với học sinh VN. Hạ cho rằng các bạn hãy làm những điều mà bạn thích và đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai.

"Nhiều bạn cố gắng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ. Tuy nhiên, việc tham gia quá nhiều khiến bạn cảm thấy bị kiệt sức. Riêng mình, tất cả những hoạt động mà mình liệt kê trong hồ sơ đều là những công việc mà mình yêu thích và thấy rất vui khi tham gia. Đây là những hoạt động giúp mình tận hưởng cuộc sống, thay vì đếm từng giây tới khi nào nó sẽ kết thúc", Hạ nói.

Trong quá trình tham gia, việc so sánh bản thân với người khác là điều khó tránh. Tuy nhiên, Hạ cho biết sự so sánh đó sẽ khiến ta tự giới hạn và dễ bị mất phương hướng. Cô gái khuyên rằng mỗi người đều có tốc độ và mục tiêu riêng, chỉ cần cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày là đủ. Bên cạnh đó, bạn cần dành nhiều thời gian cho bản thân vì thời gian có hạn, không nên phí hoài cho việc lo lắng. "Hãy tự do làm những gì mình muốn", Hạ nhắn nhủ.

Ông Bernardo Velez Rico, giáo viên văn học và ngôn ngữ Anh tại Trường THPT North Dallas, cựu sinh viên Trường ĐH Stanford, dành nhiều lời khen cho cô học trò nhỏ. Theo ông, Hạ có năng khiếu trong việc viết sáng tạo, làm người đọc luôn cảm thấy ấn tượng bởi sự sâu sắc và độc đáo. "Tôi vẫn nhớ một bài tập yêu cầu học sinh viết một đoạn nhật ký 5 câu nêu quan điểm cho một nhân vật. Hạ đã vượt xa yêu cầu gấp 3 lần, thể hiện cho tôi thấy chiều sâu của trí tò mò về học thuật của em", ông Bernardo Velez Rico nói.

Theo Phương Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm