Du lịch

Duy trì phục vụ tốt khách du lịch từ thị trường nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
10 tháng qua, Việt Nam đón 2,35 triệu lượt khách quốc tế - chưa đạt 50% mục tiêu năm 2022. Doanh nghiệp du lịch đánh giá thị trường nội địa vẫn là chủ lực.

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội tháng 10.2022. Ảnh: Ý Yên
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội tháng 10.2022. Ảnh: Ý Yên
Khách chưa đông như kỳ vọng
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 đạt 484.400 lượt, tăng 12,1% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến đạt 2,35 triệu lượt, giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch, theo Tổng cục Thống kê. 
Phân tích từ số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng này cho thấy khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm số lượng lớn nhất, đạt 2.093.700, chiếm 88,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tháng 10 cũng ghi nhận 745 lượt khách đến bằng đường biển, tăng 49,3%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 ước đạt 467.100 tỉ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm 2019, Cần Thơ tăng 126,1%; TPHCM tăng 110,8%; Đồng Nai và Đà Nẵng cùng tăng 78%; Hà Nội tăng 55,3%; Quảng Ninh tăng 48,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 10 ước đạt 19,7 nghìn tỉ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu về lữ hành của một số địa phương so với cùng kỳ năm ngoái cũng tăng vượt bậc như Đà Nẵng tăng 741,4%; Cần Thơ tăng 647,4%; Hà Nội tăng 365%; Hải Phòng tăng 236%; TPHCM 173,6%.
Khai thác nội địa, xúc tiến thị trường tiềm năng
Khi những thị trường truyền thống như khách Châu Âu, Mỹ chưa phục hồi, các doanh nghiệp du lịch triển khai chiến lược dành riêng cho thị trường nội địa để bù đắp cho khoảng trống của khách quốc tế.
Ông Lê Phước Khánh, Giám đốc ÊMM Hotel Huế, cho biết, hai năm qua, khách sạn tập trung vào thị trường Việt Nam và những thị trường Châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. “Chúng tôi duy trì phục vụ tốt khách từ thị trường nội địa, tạo doanh thu từ địa phương thông qua những sự kiện, tiệc, hội nghị...” - ông Khánh trả lời Lao Động.
Tương tự, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Victoria Hoi An Beach Resort & Spa, chia sẻ khách sạn luôn tạo ra những gói kích cầu phù hợp cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, khách sạn còn tham gia tổ chức những sự kiện nhằm thu hút khách nội địa, trong đó có giải chạy bộ Hoi An Discovery Marathon 2022 hồi tháng 9 phát huy hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng hướng đến những thị trường tiềm năng khác ở Châu Á như Hàn Quốc, Trung Đông và đặc biệt là Ấn Độ. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, giai đoạn từ 2015-2019, có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,7%, từ 65.600 lượt khách năm 2015 đến 169.000 lượt năm 2019.
Những năm trước 2019, khách Ấn Độ thường đến Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... do có sự tương đồng về văn hóa, tôn giáo, ẩm thực. Nhưng hậu COVID-19, du khách Ấn Độ chuyển hướng sang Việt Nam, đặc biệt khi hàng loạt đường bay thẳng được khai trương trong năm 2022.
Tuy nhiên, để chinh phục thị trường Ấn Độ, ngoài đường bay kết nối thuận lợi, ngành du lịch cần xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách, theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.
Một số đặc điểm của khách Ấn Độ có thể kể đến sở thích khám phá những địa điểm mới, mua sắm, hoạt động ngoài trời, tham quan các bảo tàng, di tích chiến tranh, du lịch MICE...
Song song với phát triển sản phẩm hấp dẫn, ngành du lịch cần tăng cường xúc tiến các thị trường trọng điểm. “Để xúc tiến hiệu quả cần huy động các nguồn lực từ cơ quan quản lý, chính quyền cấp địa phương, doanh nghiệp cho đến người dân” - ông Thắng nói.
Trước đó, tại “Diễn đàn liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị ngành du lịch phải có tư duy mới và hành động mới; tính đến số hoá ngành du lịch. Xem xét du lịch ở góc độ và tư duy mới: “Hoà bình, hợp tác phát triển, xanh hoá, an toàn, thân thiện, số hoá”.
Đối với các địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, muốn làm du lịch phải có sản phẩm du lịch, phát triển và làm mới sản phẩm du lịch. Du lịch văn hoá phải được đặt lên hàng đầu, bởi thế mạnh của Việt Nam nguồn tài nguyên văn hoá hết sức đa dạng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch MICE, du lịch sinh thái, miệt vườn phải làm mới, không để tình trạng sản phẩm du lịch giống nhau giữa các địa phương.
Theo Ý Yên (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/duy-tri-phuc-vu-tot-khach-du-lich-tu-thi-truong-noi-dia-1111439.ldo

Có thể bạn quan tâm