Sức khỏe

Dinh dưỡng

Em bé Mỹ được sinh ra từ phôi thai đông lạnh 27 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Em bé Molly Gibson ở Tennessee, Mỹ đã ra đời thành công từ phôi thai đông lạnh năm 1992.

Em bé Molly Gibson ở Tennessee, Mỹ, ra đời vào tháng 10.2020 từ phôi thai đông lạnh 27 năm trước. Ảnh: Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia


CNN đưa tin, phôi thai được đông lạnh từ tháng 10.1992, đã được giao cho cặp vợ chồng Tina và Ben Gibson ở tiểu bang Tennessee, Mỹ vào tháng 2.2020. Người vợ Tina tiếp nhận phôi, cuối cùng đã hạ sinh bé Molly Gibson, nặng 4,5 kg, vào cuối tháng 10.2020 - gần 27 năm sau khi phôi thai được đông lạnh.

Sự ra đời của bé Molly được cho là thiết lập một kỷ lục thế giới mới về phôi thai đông lạnh lâu nhất được sinh ra. Trước đây, kỉ lục này do chị gái Emma của Molly nắm giữ với thời gian phôi thai được bảo quản đông lạnh trong 24 năm.

Tina Gibson trả lời phỏng vấn CNN hôm 1.12 nói rằng: “Với Emma, ​​chúng tôi rất vui khi có con. Với Molly, chúng tôi cũng giống như vậy. Thật là thú vị khi chúng tôi lại tiếp tục ghi kỷ lục thế giới mới".

Trước khi Emma chào đời, hai vợ chồng Tina và Ben Gibson đã phải vật lộn với chứng vô sinh. Cặp đôi từng có ý định nhận con nuôi theo cách truyền thống, nhưng sau khi cha mẹ họ gợi ý về phương án nhận phôi, cuộc đời của họ đã thay đổi theo những cách không ngờ tới.

Cô Gibson mang thai cả Emma và Molly với sự hỗ trợ của Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia - một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố Knoxville - chuyên lưu trữ phôi đông lạnh mà các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm quyết định không sử dụng nữa. Các gia đình có thể nhận những phôi thai không sử dụng đó, chuyển vào tử cung của người mẹ để sinh ra em bé.

Trước khi có các trường hợp lập kỉ lục của hai bé Emma và Molly, người ta biết rất ít về khả năng thành công của các phôi thai cũ. Khi phát hiện ra phôi thai của Emma đã bị đông lạnh quá lâu, Gibson đã lo lắng điều này sẽ làm giảm khả năng mang thai của cô.

Nhưng Tiến sĩ Jeffrey Keenan, Chủ tịch và Giám đốc y tế của trung tâm, đảm bảo với Gibson rằng thời gian lưu trữ có thể sẽ không ảnh hưởng đến kết quả. Trong một thông cáo, ông cho biết cả hai ca sinh của Emma và Molly là bằng chứng cho thấy không nên loại bỏ phôi thai vì chúng đã "già".

Hồi năm 2017, sau khi bé Emma chào đời, Carol Sommerfelt, Giám đốc phòng thí nghiệm và là nhà phôi học của trung tâm, cho hay, có khoảng 75% số phôi được hiến tặng sống sót sau quá trình rã đông và chuyển phôi, và từ 25 đến 30% tổng số phôi được cấy ghép đều thành công.

Theo Phương Linh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm