Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

EU, Việt Nam sắp ký thỏa thuận quốc phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai bên sẽ ký thỏa thuận quốc phòng mới vào ngày 5/8, mở đường cho sự hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn bao gồm cả ở Biển Đông, theo Asia Times.
Ngày 5/8, Đại diện an ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Việt Nam. Đây là thỏa thuận an ninh đầu tiên của Brussels với một quốc gia Đông Nam Á, Asia Times đưa tin.
Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy EU đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với khu vực và đặc biệt là Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Biển Đông có những diễn biến phức tạp, theo Asia Times.
 
Sau khi tham dự Diễn đàn khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Bộ trưởng EU-ASEAN tại Bangkok từ ngày 1 đến 2/8, bà Mogherini sẽ tới Hà Nội để ký "một thỏa thuận về sự tham gia của Việt Nam vào các nhiệm vụ quân sự và dân sự châu Âu của chúng tôi", bà nói với truyền thông khu vực vào đầu tuần này.
"Tôi hy vọng đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên trong nhiều thỏa thuận mà chúng tôi sẽ có với các đối tác ASEAN, bởi nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là phục vụ lợi ích của châu Âu, mà còn phục vụ trước hết là lợi ích hòa bình và an ninh trên toàn cầu", bà nói thêm.
Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, bà dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận khung, trong đó cho phép Việt Nam tham gia vào các chiến dịch xử lý khủng hoảng của EU. Asia Times cho biết, họ đã xác nhận thông tin này với một số nguồn tin trong EU.
FPA cũng cho phép quốc gia đối tác (Việt Nam) đóng góp cho các hoạt động và nhiệm vụ theo Chính sách an ninh và Quốc phòng chung của EU, một chiến lược để điều phối các chính sách tình báo và quốc phòng của khối.
Phát ngôn viên của EU nói thỏa thuận này khẳng định cam kết chung của EU và Việt Nam về việc đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực của họ và thế giới, cũng như bảo vệ trật tự đa phương dựa trên quy tắc.
Đây sẽ là FPA thứ tư mà EU ký kết với một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, sau Australia, New Zealand và Hàn Quốc.
 
 Bà Federica Mogherini.
Thỏa thuận được đưa ra khi mối quan hệ EU với Việt Nam đang khởi sắc. Vào ngày 30/6, hai bên ký một hiệp định thương mại tự do (FTA), gần bốn năm sau khi các cuộc đàm phán kết thúc. Bên cạnh đó, quan hệ an ninh cũng được cải thiện, với sự gặp gỡ và thảo luận của các quan chức trong hàng loạt vấn đề quốc phòng cũng như hợp tác.
Theo Asia Times, EU ưu tiên quan hệ với Việt Nam khi đây là một trong năm quốc gia được chọn vào tháng 6 để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai năm tới, đồng thời Việt Nam cũng sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch của khối ASEAN vào năm tới. Do đó, mối quan hệ mạnh mẽ với Hà Nội có thể cho phép EU có được nhiều đòn bẩy hơn trong các vấn đề Đông Nam Á.
Quan trọng hơn, Việt Nam đang ở trung tâm chiến lược địa chính trị Đông Nam Á, trong bối cảnh chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trở thành vấn đề an ninh nóng trong khu vực, gần đây là sự việc nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm  thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chiến lược toàn cầu của EU, được công bố vào tháng 6/2016, cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải, kiên quyết tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Luật Biển và các thủ tục trọng tài và khuyến khích giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.
Vào tháng 4 và tháng 5/2019, các quan chức quốc phòng EU và Việt Nam đã thảo luận về khả năng các quốc gia thành viên EU gửi thêm tàu thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải đến Biển Đông (hiện có Anh và Pháp tham gia hoạt động này, Anh sắp rời EU). Một người phát ngôn của EU cho biết, EU cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong [UNCLOS]. Điều này bao gồm việc duy trì an toàn hàng hải, an ninh và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không.
Theo đánh giá của Asia Times, chưa thể xác định rõ thỏa thuận sắp tới giữa Việt Nam và EU sẽ có ý nghĩa thực tiễn như thế nào do hiện nay, EU mới chỉ tiến hành các hoạt động Chính sách Quốc phòng và an ninh Chung tại châu Âu và châu Phi, chưa có hoạt động nào tại châu Á. Vì thế trước mắt, có lẽ thỏa thuận này sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Phương Ang (NVTC News/nguồn: Asia Times)

Có thể bạn quan tâm