Điểm đến Gia Lai

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Đa dạng ẩm thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, khu ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền với khoảng 20 gian hàng được bố trí tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) sẽ là dịp để quảng bá ẩm thực đặc trưng đến du khách tham gia ngày hội lớn của tỉnh nhà.
Sự kiện này do Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực tổ chức. 
Ẩm thực Tây Nguyên “lên ngôi”
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho biết: “Phần ẩm thực Tây Nguyên sẽ do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều món ăn đặc trưng, thể hiện được tinh túy ẩm thực Tây Nguyên sẽ được chọn lựa phục vụ tại Festival năm nay”. Theo đó, các món ăn chủ đạo sẽ là phở khô, gà nướng, cơm lam, thịt dê/heo/bò xiên nướng, măng rừng, lá mì cà đắng, thịt bò một nắng, cá sông Sê San, các loại thức uống như cà phê, rượu cần… đảm bảo phục vụ nhu cầu của thực khách, đặc biệt là khách ngoại tỉnh vốn yêu thích và lạ miệng với ẩm thực bản địa.
 Cơm lam gà nướng là một trong những đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên sẽ có mặt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng. Ảnh: K.N.B
Cơm lam gà nướng là một trong những đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên sẽ có mặt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng. (Ảnh: internet)
Câu lạc bộ Ẩm thực Gia Lai sẽ có một gian hàng chung với sự tham gia của các nhà hàng là thành viên trong câu lạc bộ. Anh Vương Vũ-chủ nhiệm Câu lạc bộ-chia sẻ: “Các món ăn phục vụ thực khách sẽ được chọn lựa kỹ lưỡng để vừa ngon, vừa thể hiện bản sắc Tây Nguyên, đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý”. Sự tham gia của các thành viên như nhà hàng Thuận Châu với những món bổ dưỡng hầm, tiềm thuốc bắc: gà ác, chim bồ câu, đuôi bò, các loại rượu lá, sâm; quán cơm lam gà nướng Ksor HNao; quán Năm Dũng; ẩm thực Krông Pa… hứa hẹn sẽ góp phần làm nên đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên: đậm đà, mới lạ nhưng không kém phần tinh tế.
Ông Quỳnh Hội-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, chủ quán Nhà Tôi (xã Trà Đa, TP. Pleiku), một trong những đơn vị tham gia giới thiệu các món ăn đặc trưng trong gian hàng chung của Hiệp hội Du lịch Gia Lai-hào hứng: “Đến với Festival năm nay, Nhà Tôi sẽ phục vụ du khách 1.000 bình rượu cần miễn phí, là sản phẩm do chính quán chế biến, mang thương hiệu đặc trưng. Nếu muốn làm quà tặng cho người thân, thực khách có thể mua một bình rượu cần chính hiệu, chất lượng giá 145.000 đồng/bình với dung lượng 1 lít”. Ông Quỳnh Hội còn nhấn mạnh, rượu cần Nhà Tôi đã được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”. Bên cạnh đó, gian hàng còn phục vụ 2 đặc sản của tỉnh là gỏi lá và giảo cổ lam, chắc chắn sẽ mang đến cho du khách một không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc trong mùa lễ hội tưng bừng này.
Đáp ứng nhu cầu thực khách bốn phương
Trong khi đó, phần ẩm thực 3 miền sẽ do Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Làng Du lịch Bình Quới, thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) là đơn vị được giao phụ trách phần nội dung này. Những món ăn 3 miền Bắc-Trung-Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu trang trí, trang phục mang đặc trưng vùng miền và thể hiện được tinh túy ẩm thực Việt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của thực khách bốn phương. Từ Bắc vào Nam, địa phương nào cũng có đặc sản, không trùng lặp với những cách chế biến và biến tấu riêng, hấp dẫn.
Ông Chiêm Thành Long-Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới-chia sẻ: “Sẽ có 3 gian hàng đặc trưng cho 3 miền. Các món ăn, cách trang trí, trang phục… đều thể hiện được đặc trưng riêng của từng vùng miền. Ví như gian hàng miền Bắc sẽ nổi bật với trang phục áo tứ thân, miền Trung diện áo tím nón lá của xứ Huế thơ mộng, còn miền Nam là áo bà ba. Có khoảng 10 đầu bếp hàng đầu của làng du lịch phục vụ hơn 30 món ăn từng miền, mỗi miền khoảng 10 món bản địa tiêu biểu như: bánh xèo Nam bộ, bún súng Vũng Tàu, các loại bánh Huế, bún chả Hà Nội, gỏi chua Lạng Sơn… Các món ăn sẽ được mua bằng phiếu với mệnh giá được quy đổi từ 10.000 đến 30.000 đồng”.
Cũng theo ông Long, hình ảnh về các món ăn, văn hóa, cảnh sắc từng miền, sắc màu ở mỗi gian hàng đều do Làng Du lịch Bình Quới thiết kế trên cơ sở các gian hàng đã được lên khung. Sự tinh tế của ẩm thực miền Bắc, đậm đà của món ăn miền Trung, nét ẩm thực đa dạng của miền Nam sẽ góp phần làm nên sự thành công của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai, mở ra cơ hội được trải nghiệm văn hóa ẩm thực khắp các vùng miền cho khách du lịch.
 Võ Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm