Du lịch

Hành trang lữ hành

Gần 200 doanh nghiệp liên kết phát triển du lịch khu vực Bắc Trung bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 200 doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc đã cam kết “bắt tay” liên minh trên hành trình “đãi cát tìm vàng,” phát triển sản phẩm mới và phục hồi du lịch hậu COVID-19 cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Du khách tham quan chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Du khách tham quan chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước… vừa cùng nhau khám phá “làng cá gỗ” (xã Quỳnh Đô, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và cam kết “bắt tay” liên minh trên hành trình “đãi cát tìm vàng,” phát triển sản phẩm mới và phục hồi du lịch hậu COVID-19 cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Liên minh trên hành trình “đãi cát tìm vàng”

Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Tấn chia sẻ: “Với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp và hỗ trợ họ sử dụng chéo sản phẩm của nhau, câu lạc bộ sẽ giúp các doanh nhân trẻ phát triển kinh doanh, hình thành mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc. Từ đó, hướng tới xây dựng một cộng đồng mạnh về chất lượng và đông về số lượng, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, xung kích của doanh nhân trẻ.”

Năm 2023, do còn nhiều dư âm khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khiến phần lớn các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn nhưng các đơn vị cho biết đã nỗ lực triển khai kích cầu du lịch nội địa, kết nối lại các thị trường quốc tế, không ngừng mở rộng thị trường mới.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn cam kết: “Bằng các hoạt động, việc làm thực tế, Câu lạc bộ sẽ hợp tác với các địa phương và tổ chức, gắn kết các doanh nghiệp để thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá xúc tiến, thu hút du khách đến các điểm đến; phát triển đồng đều cả du lịch nội địa, outbound và inbound... Từ đó, đóng góp chung vào các hoạt động của ngành du lịch, đưa du lịch phục hồi, phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.”

Chùa Hương Tích là ngôi chùa linh thiêng có từ thế kỷ thứ XIII, tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Chùa Hương Tích là ngôi chùa linh thiêng có từ thế kỷ thứ XIII, tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đặc biệt, trong năm 2024, các doanh nghiệp du lịch cho biết sẽ chủ động, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung vào việc kết nối các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp du lịch toàn quốc để cùng tạo thành liên minh vững chắc cho toàn ngành phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Và hoạt động đầu tiên của “liên minh” này trong năm 2024 với sự chủ trì của Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) là hành trình trải nghiệm, khám phá sản phẩm mới tour du lịch văn hóa “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” ở làng Quỳnh Đôi, Nghệ An vừa diễn ra trong hai ngày 15-16/1.

Xúc động hành trình trải nghiệm làng cá gỗ

Làng cá gỗ giúp đại diện các doanh nghiệp du lịch cả nước có dịp khám phá nhiều điểm di tích như: Cổng làng Quỳnh Đôi với hình ảnh “cá chép vượt vũ môn” thể hiện tinh thần của người làng Quỳnh chịu thương, chịu khó để thành tài. Cổng làng cũng là nơi ghi dấu hình ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đã rời làng từ hơn 100 năm trước và du khách có cơ hội cảm nhận thời khắc đó qua hoạt cảnh ngắn “Người đã về đây” đầy dung dị do người làng Quỳnh thể hiện.

Tiếp đó, cụm di tích đầu làng khởi đầu bằng câu chuyện "cá gỗ" quen thuộc với người dân xứ Nghệ, gắn với Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích. Du khách hiểu thêm về sự tích và ý nghĩa về con cá gỗ qua hoạt cảnh thú vị “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ.”

Các diễn viên của "làng cá gỗ" Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đô, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An diễn tiểu phẩm lịch sử. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các diễn viên của "làng cá gỗ" Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đô, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An diễn tiểu phẩm lịch sử. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bên cạnh di tích thờ Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương, nơi thờ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan.

Cách cụm di tích không xa là đền Thần, nơi thờ thành hoàng làng và những người khai thôn lập ấp; giếng cổ Bà Cả gắn liền với hình ảnh gánh nước trượt chân của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Tại đây, du khách có thể thử trang phục xưa, gánh nước nồi đất, tạo dáng như bà chúa thơ Nôm đã từng khi xưa đi lấy nước.

Cách giếng Bà Cả 600 mét là nhà cụ Cử Tư – nơi gắn liền với kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Hồ và người thân. Đặc biệt, đây là gia đình hiếm hoi có tới 4 thế hệ được gặp Bác Hồ.

Tour du lịch Làng cá gỗ còn giới thiệu về lớp học đầu tiên tại làng Quỳnh Đôi, cùng câu chuyện người khai ấp lập làng, đưa thầy về dạy học cho con cháu mình và duy trì nghiệp học tới tận ngày nay.

Trên hành trình, không thể thiếu trải nghiệm hoạt động nghề truyền thống ở nhà người dân, tham quan cụm di tích 3 dòng họ Hồ-Nguyễn-Hoàng, tìm hiểu chợ Nồi, nhà tể tướng Hồ Sỹ Dương, nhà của cụ Hồ Tùng Mậu, nhà của anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan… Tour về với làng Quỳnh kết thúc với chương trình thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm không gian làng đậm chất khoa bảng về đêm.

Du khách trải nghiệm sản phẩm cá gỗ trên hành trình khám phá "làng cá gỗ" Quỳnh Đôi. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Du khách trải nghiệm sản phẩm cá gỗ trên hành trình khám phá "làng cá gỗ" Quỳnh Đôi. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Về với mảnh đất địa linh nhân kiệt Quỳnh Đôi, đại diện nhiều đơn vị lữ hành đã không khỏi bồi hồi, xúc động trước những câu chuyện về các “ông Nghè, ông Tổng,” hay sự lam lũ, chịu thương, chịu khó của người dân vùng quê xứ Nghệ yên bình.

Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi cho biết địa phương xác định phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng từ chính văn hóa-lịch sử của mình, nhằm tạo thêm công ăn việc làm, chuyển dịch một phần cơ cấu nông nghiệp sang du lịch, giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Lãnh đạo ngành cam kết đồng hành

Kết thúc tour về với làng cá gỗ, các doanh nghiệp du lịch toàn quốc đã cùng tham gia Hội nghị Xúc tiến phát triển sản phẩm Du lịch Bắc Trung Bộ với cam kết sẽ cùng liên minh trên hành trình “đãi cát tìm vàng,” phát triển sản phẩm mới nhằm phục hồi du lịch hậu COVID-19 cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đánh giá, khép lại năm 2023, năm bản lề của du lịch Việt Nam sau COVID-19 với nhiều dấu hiệu tích cực, ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Một số điểm sáng có thể kể tới là: các chỉ tiêu phát triển du lịch ‘về đích’ và vượt kế hoạch chứng tỏ hướng đi đúng trong cơ cấu lại thị trường khách, làm mới sản phẩm; hiệu ứng của chính sách thị thực mới góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế; hoạt động xúc tiến, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế, hình ảnh của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế được chú trọng thực hiện cả trên thực tế và trên không gian mạng,” ông Thủy cho hay.

Các nghệ nhân biểu diễn ca Trù ở khu di tích Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các nghệ nhân biểu diễn ca Trù ở khu di tích Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cam kết đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt trong công tác hỗ trợ kỹ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trẻ phát huy sức sáng tạo, tiên phong của mình.

Đại diện các doanh nghiệp nhận định mặc dù còn nhiều khó khăn từ sau ảnh hưởng của đại dịch, nhưng đa số đơn vị du lịch đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu nội địa, kết nối lại quốc tế, thậm chí thay đổi cả phương thức kinh doanh và chuyển hướng thị trường để phù hợp với xu hướng cũng như nhu cầu của khách hàng.

Công tác xây dựng sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết hợp tác phát triển, quảng bá xúc tiến cũng liên tục được đẩy mạnh. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, góp phần giúp du lịch phục hồi, phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký Biên bản thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam và các địa phương, đơn vị; hợp tác giữa các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ với doanh nghiệp du lịch Nghệ An, Hà Tĩnh.

Có thể bạn quan tâm