Du lịch

“Gắn sao” để bảo chứng cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông qua đăng ký cơ sở kinh doanh đạt chuẩn là nội dung quan trọng để kích cầu du lịch, nhất là trong mùa du lịch hè 2024.

Việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đăng ký để được công nhận đạt chuẩn và được gắn biển hiệu là vấn đề không mới. Chương trình được ngành du lịch triển khai cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch từ năm 2017 theo quy định của Luật Du lịch.

Theo đó, để được “gắn sao” đạt chuẩn phục vụ du lịch, các đơn vị kinh doanh cần tuân thủ chặt chẽ quy định cũng như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về diện tích, chất lượng hàng hóa dịch vụ, trình độ nguồn nhân lực, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...

Chuẩn hóa các dịch vụ du lịch là điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhằm giữ vững danh hiệu “đạt chuẩn”, đảm bảo chất lượng phục vụ. Những cơ sở được “gắn sao” cũng là một bảo chứng về chất lượng, giúp du khách yên tâm khi lựa chọn dịch vụ. Tuy nhiên, vì tiêu chí khắt khe nên một số doanh nghiệp chưa thể đăng ký thực hiện để được “gắn sao”.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh chỉ mới có 3 đơn vị đăng ký và được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh là Thủy điện Ialy, Công viên Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân. Hiện chưa có cơ sở kinh doanh đăng ký đạt chuẩn phục vụ du lịch.

Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng phục vụ. Ảnh: N.B

Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng phục vụ. Ảnh: N.B

Để khuyến khích các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, cuối năm 2017, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã lựa chọn và gắn biển cho 8 cơ sở ẩm thực đạt chuẩn phục vụ du lịch trên địa bàn TP. Pleiku. Các cơ sở cam kết đưa ra những sản phẩm tốt nhất để phục vụ khách du lịch, đồng thời quảng bá, giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên, đây chỉ là “sân chơi” để Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, tạo địa chỉ tin cậy để du khách lựa chọn khi đến Gia Lai.

Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho biết: Đây không chỉ là vinh dự của cơ sở được công nhận, mà còn nhắc nhở doanh nghiệp không ngừng nâng cao trách nhiệm trong kinh doanh. Tuy nhiên, nó chưa có quy định chặt chẽ, bài bản. Việc giữ vững danh hiệu cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ phụ thuộc vào ý thức phát triển du lịch có trách nhiệm của mỗi cơ sở kinh doanh.

Để chương trình cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích và có sự hỗ trợ nhất định cho các đơn vị.

Theo bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đến các cơ sở kinh doanh, điểm du lịch. Việc khuyến khích doanh nghiệp đăng ký để được công nhận điểm du lịch đạt chuẩn, được công bố trong các chương trình kích cầu du lịch, điểm đến chất lượng tại địa phương sẽ tạo niềm tin rất lớn cho du khách.

Các đơn vị muốn được công nhận cần gửi hồ sơ, đơn đề nghị về Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch theo mẫu hướng dẫn. “Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được thẩm định hồ sơ và kiểm tra đủ điều kiện sẽ được Sở công nhận và cấp biển hiệu theo quy chuẩn, tương tự như gắn sao khách sạn”-bà Diệp thông tin.

Không chỉ bày tỏ sự kỳ vọng vào việc “gắn sao” cho cơ sở, anh Nguyễn Nhật Vũ-Quản lý quán Vương Cát-Coffee & Tea (161 Thống Nhất, TP. Pleiku) còn cho rằng: “Sau khi công nhận, tỉnh cũng nên hỗ trợ giới thiệu, quảng bá thương hiệu đối với các cơ sở đạt chuẩn, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận khi du lịch Gia Lai. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa các đơn vị lữ hành với các cơ sở được cấp biển hiệu đạt chuẩn để tổ chức phục vụ du khách khám phá, tham quan, trải nghiệm”.

Có thể bạn quan tâm