Du lịch

Gắn "sao" và rút "sao"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng cục Du lịch vừa quyết định thu hồi công nhận hạng sao từ 3 đến 4 sao của 45 khách sạn trên cả nước như một cách chấn chỉnh nhằm nâng cao các hoạt động du lịch Việt Nam.

Quyết định này là hợp lý khi trong nhiều năm qua không ít khách sạn đã không ngại “xin sao”, và chính Tổng cục Du lịch cũng đã mạnh dạn gắn “sao” một cách khá dễ dãi. Thông thường, đây là những khách sạn tầm 3-4 sao. Dĩ nhiên, khách sạn tầm 1-2 sao thì khó bề xin lên 3-4 sao, nhưng cỡ khách sạn “2 sao rưỡi” thì dễ lên 3 sao, còn khách sạn “3 sao rưỡi” thì dễ lên 4 sao. Ai cũng biết đã có chuẩn quốc tế về chất lượng các “sao” gắn cho khách sạn, nhưng ở Việt Nam, chuyện “du di” hay “phiên phiến” là rất hay xảy ra.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng ai cũng biết, phòng ngủ khách sạn 3 sao giá khác, 4 sao giá khác và 5 sao thì giá càng khác. Vì thế, cũng từng có thời gian một số khách sạn “né” sao cao, mình đáng 4 sao thì chỉ “cho em xin cái 3 sao”. Sao vậy? Vì khách sạn 3 sao thì giá phòng bình dân hơn, thu hút khách tốt hơn và mức thuế đóng cũng nhẹ hơn. Ngược lại, cũng có những khách sạn chỉ tầm 3 sao nhưng cố xin lên 4 sao, cũng là do tính toán của chủ khách sạn vì mục đích, hiệu quả kinh doanh. Nhưng nếu như thế thì chuyện gắn “sao” không còn thực chất, và “sao” không còn tiêu biểu cho chất lượng thực sự của khách sạn nữa.

Do có nhiều cơ hội đi đây đi đó nên tôi đã từng ở khách sạn từ 1 sao cho tới 5 sao. Với tôi, chỗ nào mình ở thấy dễ chịu thì chỗ ấy tốt, không quá nề hà vào chuyện phòng ở nơi đó “hoành tráng” như thế nào. Và tôi cũng xin tiết lộ thêm một “bí mật” này khi đánh giá khách sạn hay resort, là nơi nào có đội ngũ nhân viên phục vụ, từ “sếp” cho tới “lính” mà thái độ phục vụ chuyên nghiệp, dễ thương, ân cần, tận tâm với khách, thì chắc chắn đó là nơi ở tốt đối với khách. Nhiều khi chỉ ở khách sạn 2 sao hay 3 sao với giá tiền khiêm tốn, nhưng nhân viên phục vụ ở đó lại chu đáo và thiện lương khi phục vụ khách, thì tôi khuyên các bạn nên nghỉ chân. Thực ra, nếu đi du lịch hay đi làm việc thì suốt ngày ta phải ở ngoài đường, tối mới về ngủ tại khách sạn. Khoảng thời gian ít ỏi tại khách sạn, nếu mình cảm thấy hài lòng, cảm thấy dễ chịu, thì… OK rồi.

Vừa rồi tôi được một người bạn thu xếp cho đi nghỉ miễn phí 2 ngày ở một khách sạn trên một hòn đảo du lịch thuộc miền Trung. Đây là một nơi mà chủ đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền tạo dựng nên, sự sang trọng quả thật rất khó chê. Nhưng cái đọng lại sâu sắc nhất cho tôi sau 2 ngày nghỉ ở đây lại là… con người, chứ không phải cơ sở vật chất. Người ta hay nói “con người là trung tâm”, quá đúng với trường hợp tại hòn đảo du lịch này. Bởi toàn bộ nhân viên phục vụ ở đây được đào tạo rất chuyên nghiệp và đặc biệt, được đánh giá cao nhất ở thái độ phục vụ khách. Từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất trong những yêu cầu của khách đều được nhân viên quan tâm và giải quyết rất nhanh. Thái độ thì không chỉ lịch sự mà còn rất ân cần, rất tình cảm, khiến khách chỉ còn biết… khen, biết nhớ khi rời đi. Với những nơi như thế, khi có điều kiện khách đã từng lưu trú sẽ quay trở lại. Ở đây, lòng tốt chính là thương hiệu cao nhất và nó vô giá, vì không ai phải trả tiền cho lòng tốt cả.  

Nói về chuyện “lên sao” hay “xuống sao” cho khách sạn thì quả thật rất dài dòng. Nhưng cũng như con người, khách sạn cũng phải thể hiện được cảm xúc và độ thân thiện. Những cảm xúc tích cực cùng với sự thân thiện bao giờ cũng được đánh giá cao, có khi là cao nhất trong bậc thang giá trị của khách sạn.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm