Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gắn sinh hoạt chi bộ với giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Gia Lai tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Không chỉ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hoạt động này còn giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề phát sinh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Những buổi sinh hoạt chi bộ chất lượng, ý nghĩa

Làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) có 115 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Bahnar. Bà con có tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn hoặc xây dựng chuồng trại gần ngay cửa nhà ở, gây ô nhiễm môi trường. Chi bộ làng Bung Bang Hven đã đưa nội dung này ra bàn bạc, thảo luận tại các buổi họp sinh hoạt chuyên đề và đề ra nghị quyết triển khai thực hiện mục tiêu 100% dân làng phải chăn nuôi tập trung, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh. Vừa làm, Chi bộ vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh qua các buổi sinh hoạt hàng tháng.

Theo Bí thư Chi bộ Đinh Thị Xắk: Để triển khai thực hiện chủ trương này, trước hết, đảng viên phải tiên phong làm trước, sau đó tuyên truyền, vận động người dân làm theo. “

Ban đầu, nhiều người phản đối quyết liệt bởi bao đời nay người Bahnar vẫn chăn nuôi kiểu như vậy. Giờ yêu cầu người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở nên gặp khó từ việc thay đổi nhận thức cho đến kinh phí thực hiện. Song, Chi bộ vẫn quyết tâm làm, phân công đảng viên phụ trách từng hộ, đến từng nhà vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đến nay, làng Bung Bang Hven đã hoàn thành di dời chuồng trại ra xa nhà ở và vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”-bà Xắk phấn khởi nói.

Bí thư Chi bộ làng Bung Bang Hven cho biết thêm: Trước mỗi kỳ sinh hoạt, cấp ủy chuẩn bị các nội dung cụ thể, trong đó có những vấn đề bức xúc, tồn đọng của làng để tập trung bàn giải pháp tháo gỡ.

Cùng với đó, Chi bộ còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm tập trung phân tích, bàn sâu vào từng nội dung, công việc cụ thể liên quan đến đời sống người dân như: xây dựng nông thôn mới; vận động người dân thực hiện “10 nếp nghĩ”, “10 cách làm” trong đồng bào DTTS; xóa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhân rộng mô hình sản xuất sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước…

Nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ thôn, làng bám sát vào những nội dung liên quan đến sống người dân như xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình sản xuất sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: M.N

Nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ thôn, làng bám sát vào những nội dung liên quan đến sống người dân như xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình sản xuất sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: M.N

Đánh giá về cách làm này, bà Phạm Thị Thúy-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc-nhấn mạnh: “Chi bộ làng Bung Bang Hven là điển hình về đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, triển khai thực hiện nghị quyết ở các chi bộ thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Để có những buổi sinh hoạt hiệu quả như thế này, Ban Thường vụ Đảng ủy xã cùng tham gia sinh hoạt với Chi bộ, hướng dẫn việc chuẩn bị, lựa chọn nội dung phù hợp, cách thức triển khai để nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Ngoài ra, Đảng ủy xã cũng lựa chọn một chi bộ để tổ chức sinh hoạt điểm, đồng thời mời cấp ủy chi bộ các thôn, làng, chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã nhằm đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình sinh hoạt mẫu này”.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ làng Kon Lốc 1 (xã Đăk Rong, huyện Kbang), ngoài các nội dung báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của chi bộ trong tháng, các đảng viên cũng tập trung đề xuất hướng giải quyết để hạn chế nạn tảo hôn và xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Bí thư Chi bộ Đinh Văn Váo cho hay: Các đảng viên thảo luận sôi nổi, tham gia phát biểu nhiều ý kiến, đóng góp những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn tái diễn nạn tảo hôn và không để xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết, Chi bộ làng Kon Lốc 1 thống nhất phân công trách nhiệm cụ thể đối với 15 đảng viên phụ trách 19 gia đình trong làng có con em đang ở độ tuổi vị thành niên.

“Với trách nhiệm được giao, các đảng viên phối hợp cùng tổ chức hội, đoàn thể của làng đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích về hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2022 đến nay, qua nhiều đợt triển khai sinh hoạt chuyên đề về vấn đề này, làng Kon Lốc 1 không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”-Bí thư Chi bộ làng Kon Lốc 1 khẳng định.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Theo ông Nguyễn Sỹ Hữu-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rong: Ban đầu, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, Đảng ủy xã phân công cán bộ, đảng viên biên soạn nội dung các chuyên đề sinh hoạt sát với tình hình thực tế tại 1 làng điểm được lựa chọn, rồi mời Đảng ủy viên, cấp ủy các chi bộ thôn, làng tham dự. Từ năm 2021, Đảng ủy xã tổ chức làm điểm tại một số chi bộ. Đến nay, hầu hết các chi bộ thôn, làng đồng bào DTTS của xã đã tự tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề.

“Đảng ủy xã cũng chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ thôn, làng lựa chọn những vấn đề phát sinh, tồn tại, vướng mắc trong đời sống hàng ngày của người dân để đưa vào sinh hoạt chuyên đề định kỳ hàng quý.

Bên cạnh đó, phân công các Đảng ủy viên dự sinh hoạt cùng chi bộ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến, đề xuất. Các Đảng ủy viên khi tham dự sinh hoạt chi bộ cơ sở cũng theo dõi, hướng dẫn và đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt; đồng thời, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần giúp các buổi sinh hoạt ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn”-ông Hữu thông tin.

Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Lê Thị Thanh Mai (thứ 5 từ trái sang) động viên cán bộ, đảng viên Chi bộ làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) thực hiện tốt các nghị quyết, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Lê Thị Thanh Mai (thứ 5 từ trái sang) động viên cán bộ, đảng viên Chi bộ làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) thực hiện tốt các nghị quyết, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

Huyện Kbang có tỷ lệ người Bahnar chiếm gần 48% dân số nên việc tổ chức, duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ thôn, làng đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở 69 làng đồng bào dân DTTS.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ cho biết: “Qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, trách nhiệm của cấp ủy cũng như cán bộ, đảng viên được nâng lên. Điều này thể hiện ở việc lựa chọn nội dung sinh hoạt là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để cho cấp ủy chi bộ, đảng viên thảo luận, đề ra các giải pháp thực hiện.

Hình thức sinh hoạt này phát huy được trí tuệ của cán bộ, đảng viên thông qua những ý kiến đóng góp về cách giải quyết vấn đề tồn tại; đồng thời gắn trách nhiệm vận động người dân thực hiện, tạo nhiều chuyển biến tích cực”.

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Thanh Mai-Bí thư Huyện ủy Đak Pơ-khẳng định: “Việc tổ chức buổi sinh hoạt ở các chi bộ điểm đã xây dựng quy chuẩn từ công tác chuẩn bị, quy trình, thủ tục đến phương pháp điều hành, thảo luận, ghi chép biên bản, thông qua nghị quyết và triển khai thực hiện nghị quyết.

Đây chính là phương pháp học tập trực quan, hiệu quả cao đối với cấp ủy các chi bộ thôn, làng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, hầu hết các chi bộ đều làm tốt công tác chuẩn bị cũng như tổ chức giúp chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, làng vùng DTTS không ngừng được nâng lên”.

Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ thôn, làng đồng bào DTTS ở huyện Đak Pơ và Kbang là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực khi mà những vấn đề phát sinh trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân được tổ chức Đảng và đảng viên cùng nhau bàn bạc, giải quyết. Đây là yếu tố then chốt để mỗi khu dân cư ổn định, phát triển; làm cơ sở vững chắc để cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Có thể bạn quan tâm