Sống trẻ - Sống đẹp

Gặp người tốt nghiệp đại học đầu tiên ở Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Chúng tôi không ngạc nhiên khi nghe thông tin đến giờ xã Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) mới có duy nhất 1 người trưởng thành từ xã tốt nghiệp đại học, bởi đây từng là nơi xa xôi và khó khăn nhất tỉnh. Chỉ ngạc nhiên vì nỗ lực của người làm nên “kỳ tích” ấy là cô gái Bahnar Y Nết. Cô vừa trúng tuyển biên chế giáo viên, được phân công về dạy học tại Trường Tiểu học và THCS Trạm Lập (xã Sơn Lang, huyện Kbang).

Đến giờ, cô giáo trẻ có đôi mắt sáng trong và đầy nghị lực vẫn nhớ mãi nét mặt cha mình khi nghe tin con sắp tốt nghiệp đại học. Trước mặt con cái, ông Đinh A Nhát hiếm khi nào thể hiện cảm xúc sâu xa. Nhưng hôm ấy, nghe xong ông lẳng lặng quay đi giả vờ làm việc khác để len lén lau nước mắt. Ở Kon Pne, tấm bằng đại học khác nào hạt muối mặn mòi, quý giá nơi rừng thẳm trong những ngày gian khó xưa.

Vượt núi tìm chữ

Chỉ những ai từng đến Kon Pne mới hiểu hết cái khó tận cùng của vùng đất gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Xã cách thị trấn Kbang chừng 80 km, nhưng trước năm 2000, muốn vào đây phải trải qua một hành trình đầy trắc trở. Đầu tiên phải qua một con đèo cao; khi đến cửa rừng thì gửi lại phương tiện giao thông để tiếp tục đi bộ vượt dốc, sau đó lại tụt xuống một con dốc dựng đứng. Đến nơi, muốn vào làng phải qua một chiếc cầu treo vắt qua sông Đak Pne cuồn cuộn bên dưới. Trong điều kiện đó, cả 3 làng là Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring đều nằm trong diện đặc biệt khó khăn.

Sau năm 2003, để phá thế biệt lập, giúp người dân phát triển kinh tế-xã hội, con đường vòng qua núi Kon Hleng được san ủi. Dù vậy, việc đi lại vẫn chưa hết khó khăn do nhiều đoạn vẫn là đường đất, một bên vách núi dựng đứng, một bên thung lũng thăm thẳm.

Hiệu trưởng Đặng Quốc Tuấn trao đổi với cô giáo Y Nết về nhiệm vụ chuyên môn đầu năm học. Ảnh: P.D

Hiệu trưởng Đặng Quốc Tuấn trao đổi với cô giáo Y Nết về nhiệm vụ chuyên môn đầu năm học. Ảnh: P.D

Nhắc lại chuyện cũ để thêm hiểu nỗ lực vượt bậc của Y Nết trong hành trình tìm chữ. Cô gái sinh năm 1997 kể: Cô là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em ở làng Kon Ktonh. Cuộc sống của gia đình khi đó vô cùng thiếu khó, cứ 2-3 hôm lại phải ăn cơm độn với củ mì. Thức ăn thì chỉ có rau rừng, cá suối. Nhà có nuôi vài con heo nhưng chỉ để dành đến những ngày hội làng. Không đèn điện, tối đến, anh chị em Nết phải học bài trong ánh sáng hắt ra từ bếp lửa nhà sàn, thảng hoặc mới có đèn dầu.

Nhưng, dù thế nào thì vùng trời tuổi thơ luôn đẹp. Đến giờ, Nết vẫn nhớ mãi trò chơi oẳn tù tì với bạn bè lúc nhỏ. Ai thắng sẽ được làm… cô giáo, tha hồ dạy lũ trẻ trong làng học chữ, đếm số, tập hát, được trải nghiệm cảm giác nói trước đám đông, có quyền “lên lớp” các bạn đồng trang lứa, được là người quan trọng. Ngay khi đó, Y Nết đã mơ ước sau này được đứng trên bục giảng.

Thêm một người ảnh hưởng rất lớn đến quyết định này của Nết, đó là ba của cô. Từ năm 1977, ông Đinh A Nhát đã là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đak Pne (huyện Kon Plông, tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ). Sau đó, ông trở thành Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Kon Pne (nay là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne, huyện Kbang) cho đến năm 2005. Là người cấp tiến trong cộng đồng nên ông hiểu rất rõ vai trò của tri thức, từ đó động viên con cái học hành. “Ngày trước, ba tôi thường nói: “Con ơi, gia đình mình khó khăn như vậy, con phải cố gắng học. Phải viết được tên mình, biết đọc số, sau này con còn tự lo cho cuộc sống của mình nữa”. Đây là động lực rất lớn đối với bản thân tôi”-Y Nết nhớ lại.

Với điểm tựa tinh thần vững chãi ấy, sau khi hết lớp 5, Y Nết ra học ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kbang. Quãng đường 80 cây số trở thành thử thách lớn nhất. Mùa mưa, không quấn xích vào bánh xe thì không qua nổi một số đoạn đường đất. Có hôm, 2 cha con ngã lăn do đường trơn trượt. Đó là lý do mỗi năm Y Nết chỉ về thăm nhà 2 lần vào dịp Tết và hè. Xong bậc THCS, Y Nết tiếp tục theo học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê). Quãng đường đến trường xa thêm 30 km. Vì vậy, bà Y Briep rất lo lắng cho con gái. Y Nết nhủ thầm: Cứ nỗ lực từng chút, từng chút một. Thêm nữa, là con em dân tộc thiểu số, cô gái Bahnar được Nhà nước hỗ trợ khá nhiều về điều kiện học tập.

Nhiều năm liền là học sinh khá, nhưng cũng có lúc vì hoàn cảnh gian khó mà Y Nết thoáng qua ý nghĩ muốn bỏ dở việc học. “Rồi lại thôi. Trong nhà, các anh chị em người học hết bậc THCS, người hết bậc THPT nhưng không ai học lên đại học. Vì vậy, tôi nghĩ là mình nên cố gắng hơn chút nữa để theo đuổi mong ước của ba, đó là con cái học hành tới nơi tới chốn”-Y Nết giãi bày.

Tốt nghiệp THPT, Y Nết thi đỗ vào ngành Sư phạm Giáo dục tiểu học-Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. 4 năm học tại đây, cô được miễn học phí, được ở ký túc xá, chỉ lo tiền ăn và sinh hoạt phí. Ngày cô nhận bằng tốt nghiệp năm 2021 trở thành ngày trọng đại không chỉ của gia đình. Với người dân làng Kon Ktonh và xã Kon Pne nói chung, Y Nết như là biểu tượng khi trở thành người đầu tiên có tấm bằng đại học.

Ước mơ thành hiện thực

Đúng như mơ ước lúc nhỏ, Nết trở về Kon Pne để được đứng trên bục giảng dạy chữ cho lũ trẻ trong làng, mang đến cho các em niềm vui tới trường. Y Nết xúc động kể: “Vui và hồi hộp lắm khi được quay lại nơi mình bắt đầu với con chữ, được tiếp nối hành trình của ba. Cũng có chút tự hào về bản thân khi đạt được mục tiêu mình đã đề ra”.

Còn ông Đinh A Nhát cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Mình luôn mong muốn con cháu học hành cao hơn bố mẹ để giúp cho buôn làng, cho đất nước. Bà con trong làng cũng khen ngợi Nết và lấy đó làm tấm gương động viên con cháu học tập”.

Song, không như trò chơi lúc nhỏ, nghề giáo luôn đòi hỏi tâm huyết rất lớn. Y Nết phải đối mặt với thực trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên nhà đầm sản xuất; có em 1 tuần nghỉ học đến 2-3 ngày, khiến cô giáo trẻ phải nhiều lần đến tận nơi để vận động học sinh tới lớp. Không ít gia đình vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc học của con. May thay, vì là người bản địa nên Y Nết không gặp khó trong việc thuyết phục phụ huynh. Ngoài ra, nhận thấy hạn chế của bản thân do bản tính rụt rè, nhút nhát, những lúc rảnh rỗi, Nết ngồi trước gương hàng giờ tập giảng bài cho đến khi nào lưu loát mới thôi.

Cô giáo trẻ Y Nết là người đầu tiên ở xã Kon Pne tốt nghiệp đại học. Ảnh: P.D

Cô giáo trẻ Y Nết là người đầu tiên ở xã Kon Pne tốt nghiệp đại học. Ảnh: P.D

Hơn 1 năm dạy hợp đồng tại Kon Pne, cô giáo trẻ luôn được đồng nghiệp và học trò yêu quý. Ngoài truyền đạt kiến thức sách vở, cô còn khuyến khích các em đến thư viện trường đọc sách, truyện, chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy, hỏi bạn. Biết cô Y Nết là người đầu tiên ở Kon Pne tốt nghiệp đại học, các em tò mò: “Cô ơi, ngày trước cô học ở đâu? Ngoài đó có gì vui? Học hành như thế nào?”. Mơ ước về khung trời rộng mở bên kia núi Kon Hleng khiến em nào cũng háo hức và mong ước được như cô. Y Nết mỉm cười nhắc kỷ niệm đáng nhớ: “Có em mang rau trái ở vườn nhà tặng cô giáo. Dù nhà mình cũng có mấy thứ này nhưng vẫn thấy rất vui”.

Mới đây, Y Nết thi đậu biên chế và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Trạm Lập (xã Sơn Lang), cách nhà vài mươi cây số. Năm học mới 2023-2024 đang đón chờ cô giáo tuổi 26 với nhiều đổi thay, háo hức. Thầy Đặng Quốc Tuấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trường được biên chế giáo viên về để đáp ứng yêu cầu dạy học thì rất mừng, càng mừng hơn khi đây lại là giáo viên người Bahnar.

“Nhà trường có 173/265 học sinh người dân tộc thiểu số nên biên chế giáo viên người địa phương sẽ tạo thuận lợi lớn trong giáo dục dân tộc. Với lợi thế ngôn ngữ, có sự am hiểu về tâm lý, văn hóa bản địa, cô Y Nết sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Thêm nữa, tôi cho rằng, thầy-cô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng. Do vậy, cô Y Nết sẽ là tấm gương cho học sinh về nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập”-thầy Tuấn khẳng định.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Văn Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kon Pne-xác nhận: Y Nết là người đầu tiên trên địa bàn xã tốt nghiệp đại học. Đối với địa phương đây là trường hợp đặc biệt, là tấm gương sáng. Hiện trong xã cũng có một số người đang theo học đại học nhưng chưa tốt nghiệp. Ông Tuấn cho biết thêm: Gia đình ông Đinh A Nhát có truyền thống hiếu học và đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Anh Đinh Thanh Oai (anh trai Y Nết) hiện là cán bộ tuyên giáo-dân vận Đảng ủy xã; chị Y Lăih (chị gái Y Nết) là Phó Bí thư Đoàn xã. Người em kế Đinh A Lâng đang học ngành Công an, còn chồng cô Y Nết đảm nhận vị trí Phó Trưởng ban Chỉ huy Quân sự xã.

Gặp Y Nết, càng vỡ ra rằng, chính những nghĩ suy, trăn trở sẽ quyết định ta là ai. Cô giáo trẻ chỉ mới trên chặng đầu của hành trình “gieo chữ” đầy vất vả, khó nhọc. Mong rằng phía sau cô, những kỳ vọng, thương yêu luôn hậu thuẫn, để cô được chung tay góp sức mang lại nguồn sáng tri thức cho cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm